Bảo đảm bí mật về thông tin, ngân hàng khó chống rửa tiền?
Yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân khiến ngân hàng lúng túng trong việc báo cáo thông tin khách hàng |
Theo Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền yêu cầu khách hàng cá nhân cung cấp thông tin cá nhân bao gồm họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của vợ, chồng, con của khách hàng. Tuy nhiên, vì những thông tin này quá riêng tư và rất khó để đối tượng báo cáo có thể thu thập và xác minh được các thông tin này.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 35, nhiều ý kiến của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vẫn loay hoay không biết phải thực hiện quy định này như thế nào bởi việc thu thập thông tin ảnh hưởng đến tính bảo mật của hoạt động ngân hàng.
Để vừa đảm bảo công tác phòng, chống rửa tiền đạt kết quả cũng như bảo đảm được hoạt động kinh doanh của hệ thống tín dụng không gặp khó khăn, mới đây, NHNN đã đề xuất bỏ kê khai thông tin cá nhân trong các giao dịch tại ngân hàng do mang tính chất quá riêng tư và rất khó để xác minh.
Theo đó, NHNN đã công bố bản dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35 về hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền để lấy ý kiến.
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi lần này, NHNN đã chủ động tháo gỡ những vướng mắc mà các tổ chức tín dụng gặp. Đó là đề xuất bỏ yêu cầu khách hàng cá nhân cung cấp thông tin cá nhân bao gồm họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của vợ, chồng, con của khách hàng.
Đối với khách hàng là tổ chức, sẽ sửa đổi yêu cầu khách hàng cung cấp Báo cáo tài chính bằng Tổng doanh thu. Việc sửa đổi này, theo NHNN, là phù hợp với khách hàng là người gửi tiền và giúp đối tượng báo cáo nắm được nguồn gốc, dòng tiền của khách hàng.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư sửa đổi lần này cũng bổ sung thêm về nội dung giám sát các giao dịch của khách hàng có rủi ro cao và quy định thêm về nghĩa vụ phải kịp thời phát hiện các giao dịch bất thường.
Đối với việc cập nhật thông tin định kỳ, dự thảo sửa đổi việc cập nhật thông tin định kỳ ít nhất 1 năm một lần thay vì 6 tháng một lần như trước, để các đối tượng báo cáo có đủ thời gian, điều kiện hoàn thành một khối lượng lớn công việc đặt ra cũng như phù hợp với việc triển khai trên toàn hệ thống của nhiều ngân hàng.