Báo chí - Truyền thông phải vào cuộc bảo vệ trẻ em trên mạng
Đó là nhận định của ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại hội nghị nhằm giúp các phóng viên, biên tập viên tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng mới đây.
Theo ông Lợi, hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em và một số quy định hiện hành về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đượcc ả xã hội quan tâm. Chính vì vậy, báo chí – truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trẻ em.
Cũng theo ông Lợi, Internet là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với Internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích. Song hành cùng những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết cần và đủ để không lạc lối. Trong những kĩ năng nhận biết đó, thông tin-tri thức từ báo chí chính là kênh chính thống quan trọng.
“Để thực hiện tuyên truyền hiệu quả và không vi phạm quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng,” ông Đặng Khắc Lợi nói thêm. Cùng quan điểm này, nhiều nhà báo cũng có những sáng kiến rất thú vị được chia sẻ tại hội thảo.
Theo nhà báo Thái Phong, các cơ quan báo chí cần xây dựng các nội dung lành mạnh phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và các tiêu chuẩn cộng đồng. Các phóng viên vũng cần kiểm tra và xác minh thông tin trước khi truyền thông, bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định của pháp luật; giám sát và phản biện độc lập về việc thực hiện các cam kết bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Nam Phương