Ban soạn thảo Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng họp lần thứ tư
Cuộc họp do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và trình Chính phủ Dự án Luật ngày 8/6/2022.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Ban Soạn thảo cho biết, tính đến nay, đã trải qua ba cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau các cuộc họp đã có nhiều ý kiến định hướng đối với kế hoạch và nội dung xây dựng Dự thảo Luật đã được đưa ra.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến phát biểu, Bộ Công Thương xác định có một số nhóm nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm như sau: Bố cục của Dự thảo Luật; Khái niệm người tiêu dùng; Nghĩa vụ cung cấp thông tin của người tiêu dùng; Người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Một số vấn đề về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng; Một số vấn đề về quản lý nhà nước.
"Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch và tiến độ đã đề ra, cuộc họp ngày hôm nay có tính chất quan trọng, nhằm báo cáo về kết quả thảo luận về dự án Luật tại Quốc hội, đồng thời, xin ý kiến của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập để hoàn thiện Dự thảo Luật, chuẩn bị trình Chính phủ Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự thảo Luật dự kiến tiếp thu" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Trước đó, ngày 02/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).Tiếp đó, ngày 28/11/2022, Tổng Thư ký Quốc hội có Báo cáo số 1832/BC-TTKQH tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, tổng số có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường với khoảng trên 680 ý kiến cụ thể.
Tổ Biên tập đã tiến hành nghiên cứu, tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Văn bản số 1832/BC-TTKQH. Trong đó, có 406 ý kiến cụ thể đã được nghiên cứu, tiếp thu (chiếm 59% tổng số ý kiến phát biểu); 280 ý kiến cụ thể đã được giải trình (41% tổng số ý kiến phát biểu).
Nam Phương