Bán đất lao vào chứng khoán, giá đất thì tăng nhưng cổ phiếu giảm nhà đầu tư lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan”
Sợ giá đất giảm nhà đầu tư đã vội vàng bán tìm đến kênh đầu tư mới, cụ thể là chứng khoán. Tưởng chừng sẽ ngon ăn nhưng, mới chỉ thời gian ngắn nhà đầu tư đã mất bay hàng trăm triệu đồng...
Trong mấy năm trở lại đây, cơn sốt đất liên tục hoành hành ở nhiều địa phương, theo đó giá đất cũng liên tục chạm đỉnh mới. Không ít nhà đầu tư nghĩ giá đất đã đạt ngưỡng và không thể tăng cao hơn nên tính toán xoay chuyển dòng tiền sang kênh đầu tư khác, nhằm gia tăng lợi nhuận.
Năm 2021, có thể nói là năm đột phá của thị trường chứng khoán khi VNINDEX đạt mức hơn 1.500 điểm, lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản cũng liên tục tăng cao. Đầu năm 2022, nhiều dự báo VNINDEX có thể đạt mức 1.700 - 1.800 điểm trong năm nay.
Chứng kiến những người bạn bè xung quanh trong năm 2021 đã nhân tài khoản bằng lần, anh Nguyễn Văn Tài (Thanh Xuân, Hà Nội), đầu năm 2022 vội bán mảnh đất trước đó đầu tư để chuyển tiền vào chứng khoán.
Chia sẻ về tính toán thời điểm đó, anh Tài nói: “Mấy năm qua, giá đất liên tục tăng mạnh, khi đó tôi nghĩ giá đất đã đạt đỉnh và sẽ đi ngang một thời gian dài. Nếu vĩ mô có những động thái siết có thể giá sẽ đi xuống. Vì muốn tối ưu khoản đầu tư, nên tôi bắt đầu tính toán lựa chọn kênh đầu tư mới nhằm sinh lợi nhuận”.
Anh Tài cho biết, xung quanh đồng nghiệp và bạn bè của anh năm ngoái khi đầu tư cổ phiếu bất động sản đã lãi bằng lần, nhiều người bỏ vào chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng thì tài khoản cũng tăng lên tiền tỷ.
Đến cuối năm 2021, thấy lợi nhuận cao từ chứng khoán anh đã rao bán mảnh đất của mình. Mảnh đất đó tôi mua cách thời điểm bán khoảng hơn 1 năm. Mảnh đất anh đầu tư tại Hưng Yên, có diện tích 100m2, đến thời điểm bán với mức giá 2,5 tỷ đồng, lãi 1 tỷ đồng so với thời điểm bỏ tiền.
Sau khi bán, anh Tài dồn hết tiền vào chứng khoán, nghe lời tư vấn anh đã mua những mã cổ phiếu bất động sản với kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng nóng như năm trước. Đến khi cổ phiếu về tài khoản, giá đã giảm mất hơn 10%. Tiếp tục nghe lời tư vấn: “Cổ phiếu chưa bán là chưa lỗ”.
Anh Tài tiếp tục nắm giữ và hy vọng thêm. Tuy nhiên, mọi tính toán và kỳ vọng của nhà đầu tư này tiếp tục đổ vỡ khi thời gian gần đây thị trường chứng khoán liên tục lao dốc. Tính trong 14 phiên giao dịch gần đây VNINDEX giảm từ mốc 1.530 điểm xuống 1.379 điểm (kết phiên ngày 22/4/2022), tương đương giảm 151 điểm.
Đến nay, tài khoản của anh Tài đã lỗ đến hơn 40%, tương đương hơn 1 tỷ đồng. Thậm chí, có những phiên giao dịch mã cổ phiếu của anh đang nắm giữ còn mất thanh khoản. Hiện giờ, nhà đầu tư này như rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
“Chỉ trong mấy tháng đầu năm tài khoản chứng khoán của tôi đã bay đến tiền tỷ, bây giờ tôi cũng chưa biết nên chờ thị trường hồi phục hay có thể sẽ đi xuống tiếp. Những điều này đang ngoài hết dự tính của tôi so với ban đầu”, anh Tài chia sẻ.
Trong khi đó, nhà đầu tư này chia sẻ, mảnh đất anh đã bán trước đó mới đây đã được giao dịch thành công với mức giá hơn 3 tỷ đồng. “Tưởng rằng giá đất đã đạt đỉnh thì chốt lời là an toàn đúng đắn. Bây giờ số lỗ chứng khoán tương đương số lãi đất, dù chưa âm vào vốn nhưng có thể sẽ âm tiếp. Nhưng tôi thấy phí thời gian đã chờ đợi đầu tư trước đó và số lãi đó đáng lẽ đã vào túi tôi thì lại ra mất”, anh Tài nói.
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, đất nền được tìm kiếm nhiều hơn thời điểm trước dịch COVID-19, tuy nhiên giảm so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là loại hình bất động sản phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát.
Loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng ở nhiều tỉnh thành. Lượt tìm kiếm đất nền trong quý I vẫn tăng 4% so với đợt năm 2019, nhưng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tại miền Bắc, mức độ quan tâm đến đất thổ cư tại một số khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng,... có sự sụt giảm nhưng giá rao bán vẫn tăng lần lượt 35%, 16% và 29% so với mức giá trung bình cả năm 2021. Giá rao bán đất thổ cư cũng tăng đồng loạt tại các huyện vùng ven Hà Nội như Chương mỹ (74%), Quốc Oai (26%), Gia Lâm (21%), Đông Anh (20%),...
Đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14%, một số địa phương như Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận ghi nhận tăng mạnh lần lượt 58%, 48%, 44%. Mặt bằng giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm ngoái, trong đó, Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%.
Còn tại phía Nam, mức độ quan tâm đến đất nền ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở nhiều nơi như TP HCM (15%), Cần Thơ (40%), Bình Dương (13%), Đồng Nai (13%), Bà Rịa - Vũng Tàu (16%),... Tuy nhiên, giá rao bán vẫn tăng 27% tại Bình Dương, 23% tại Bình Phước, 13% tại Long An, 7% tại Đồng Nai,...
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, những thông tin tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2022. Theo đó, nền kinh tế phát triển ổn định trong quý với mức tăng trưởng GDP tốt hơn cùng kỳ 2020 và 2021, đạt 5,03%. Đáng chú ý, trong khi FDI đăng ký toàn ngành giảm 12% so với cùng kỳ năm trước thì vốn FDI đổ vào bất động sản tăng 213%. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Quốc Anh cũng dẫn số liệu so sánh với thời điểm năm 2010 để thấy nền kinh tế năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững khi vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, có trọng tâm; lãi suất ổn định và kinh tế bắt đầu hồi phục tốt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Với thị trường bất động sản, Chính phủ đang từng bước minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Trong khi đó, theo khảo sát do Batdongsan.com.vn thực hiện, người mua nhà tiếp tục đánh giá tích cực về thị trường bất động sản sau Tết âm lịch. Bất động sản được lựa chọn là kênh đầu tư ưu tiên so với phần còn lại như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm…
Đất Cam Lâm đang tăng giá, với 3 tỷ đồng tôi có nên bỏ tiền đầu tư vào khu vực này ở Khánh Hòa?
Mặt bằng giá đất Cam Lâm vẫn tăng đều trong nhiều năm qua với mức tăng trung bình hàng năm đạt khoảng 10-20%. Do đó, nếu đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin, quy hoạch, so sánh giá bán, tránh các khu vực đã bị ‘đẩy’ giá quá cao.
Theo Nhịp sống kinh tế