Bài tham khảo viết thư UPU lần thứ 48: Bố là người hùng của em!
Bài mẫu UPU 48 viết về người hùng trong em |
Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề năm 2019 là một "chủ đề truyền cảm hứng". Trong lễ phát động cuộc thi hồi tháng 10/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khi đó cũng chia sẻ: "Đây là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình".
Đối tượng dự thi viết thư UPU là học sinh từ 15 tuổi trở xuống, các bạn học sinh đều được phát động tham gia ở từng trường. Thời gian dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 là từ ngày 12/10/2018 đến ngày 15/2/2019 (tính theo dấu bưu điện).
Bài dự thi viết thư UPU dài không quá 1.000 từ, viết tay trên 1 mặt giấy. Bài thi phải cho vào phong bì có dán tem, gửi thường qua đường bưu điện đến địa chỉ Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5 Hòa Mã, Hà Nội.
Dưới đây là bài văn mấu viết thư UPU năm lần thứ 48 năm 2019 viết về người hùng trong em
Việt Nam ngày 8/12/2018
Xin chào Lysa!
Lời đầu thư mình xin gửi tới bạn về lời chúc luôn học giỏi và khoẻ mạnh. Mình viết bức thư kể cho bạn nghe về người hùng trong lòng mình nhé.
Bạn ạ, người hùng trong lòng mình không ai khác chính là ba của mình. Có lẽ, với mình ba là người đàn ông vĩ đại nhất.
Ba từng trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống. Ông nội tôi mất năm ba 18 tuổi và đến năm 29 tuổi thì bà nội tôi cũng mất. 32 tuổi ba mới lập gia đình. Năm mình mới 5 tuổi, nghe mọi người kể rằng lúc đó ba bị một tai nạn giao thông nguy hiểm lắm thập tử, nhất sinh. Từ một người lành lặn ba mình phải cắt cụt cả đôi chân. Từ người đàn ông là trụ cột của ba mẹ con mình thì ba mình trở thành người tàn phế.
Mẹ nói, lúc ba tỉnh dậy ở phòng hồi sức cấp cứu với đôi chân không còn. Ba mở mắt nhìn mẹ cười nhoẻn và khi ấy mẹ nghĩ ba chưa biết mình bị cắt chân. Nhưng sau này ba kể, trước khi cười với mẹ ba đã tỉnh và sờ xuống thấy chân không con, cảm giác đau hai đùi khiến ba sốc nhưng hé mắt nhìn thấy mẹ, ba chợt nghĩ mình may mắn vì vẫn còn trên đời.
Những ngày tháng sau, ba vượt qua tất cả. Ba không bao giờ chịu lùi bước dù có lúc không có chân. Ba bắt đầu phục hồi chức năng. Tập đi, ba đau lắm ba đã nhăn mặt, tái người đi. Mẹ hiểu ba rất đau nhưng nhìn hai anh em mình, ba lại cười. Ai cũng phải khâm phục nghị lực của ba.
Sau phục hồi chức năng, mất cả năm trời đeo hai chân giả rồi tập đi, ba cứ chập chững bước đi như đứa trẻ mới lớn. Suốt thời gian đó ba đều tự đi vào viện để bác sĩ hướng dẫn cách luyện tập. Ba không muốn mình phải phiền tới người khác.
Ngày ba trở lại công ty, ai cũng phải khâm phục ba. Mọi người nói, dù mất đôi chân nhưng ba làm việc vẫn miệt mài, hăng say và không bao giờ tự ti, mặc cảm.
Khi mình lớn, ba vẫn đưa đón mình đi học. Bạn bè thường trêu ba bạn “lùn” bởi ba đi chân giả. Công việc của mẹ bận, ba kiêm luôn việc đưa đón và chăm con. Ở công ty, ba luôn là người mẫu mực. Chính vì thế, nhiều năm liền ông luôn được bằng khen của Tổng công ty.
Bạn có biết, ba mình thường đưa mình ra sân bóng đá. Dù ba không đá bóng nhưng ba bảo phải đi để thấy cuộc sống tươi đẹp, đi để cổ vũ bạn bè, đồng nghiệp. ở nhà ba luôn là trụ cột của ba mẹ con mình. Mẹ bảo từ ngày bị tai nạn ba mình càng kiên cường hơn và suốt 8 năm qua ba chưa bao giờ thôi cố gắng.
Trong cuộc sống, ba dạy anh em mình điều hay lẽ phải. Ba luôn tiếp lửa cho chúng mình bằng những câu “con trai ba giỏi lắm”. Tuy nhiên, ba cũng rất nghiêm khắc với chúng tôi. Ba luôn dạy chúng mình muốn người khác yêu thương phải biết trân trọng những người xung quanh.
Tình yêu của ba dành cho mẹ giúp gia đình chúng mình luôn rộn tiếng cười. Cả nhà chúng mình luôn coi nhau như người bạn.
Để đền đáp công ơn sinh thành và chăm sóc của ba, mình luôn tự nhủ sẽ trở thành người có ích cho gia đình xã hội và luôn lấy ba là nghị lực để vượt qua khó khăn.
Chào và hẹn gặp lại bạn!
Vũ Hoàng Anh