Bài mẫu viết thư quốc tế UPU 46 năm 2017: Báo động tình trạng bất bình đẳng giới
Tình trạng bất bình đẳng giới đang diễn ra khắp nơi trên thế giới |
Chủ đề của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 46 năm 2017 là: Hãy hình dung, nếu bạn là cố vấn Tổng thư ký Liên hợp quốc mới, bạn sẽ cố vấn cho ngài ấy vấn đề nào của thế giới cần xử lý đầu tiên và giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?
Dưới đây là gợi ý bài mẫu viết thư UPU lần thứ 47, người viết đã đặt vị trí cố vấn của Tổng thư ký Liên hợp quốc để chia sẻ cùng ngài ấy những vấn đề nóng cần xử lý của thế giới.
Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!
Có thể thấy bình đẳng giới là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia.
Bình đẳng giới là vấn đề luôn được các quốc gia trên thế giới quan tâm và triển khai nhiều chính sách nhằm mang lại quyền lợi bình đẳng cho mọi người. Bên cạnh đó, các nước cũng tuyên truyền, giáo dục để thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” vốn tồn tại bao lâu nay trong nhận thức của con người. Tuy nhiên, ở một số nước trên thế giới tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng.
Theo Báo cáo thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, chưa có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới như nhân loại mong muốn. Cũng theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì tình trạng bất bình đẳng giới trong lao động và thu nhập tại các công ty ở châu Âu đang tăng mạnh.
Thể hiện rõ nhất trong sự phân biệt đối xử với công nhân nữ khi nguy cơ bị sa thải cao hơn công nhân nam hoặc họ phải chịu mức lương thấp hơn, nhất là trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, phải áp dụng các biện pháp khắc khổ và cải cách lao động.
Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của Tổng Công đoàn quốc tế (ITUC) ở châu Âu trung bình phụ nữ thu nhập ít hơn 14,5% so với nam giới, trong khi đó, ở Mỹ khoảng cách này là 22,4%, ở Đức là 21,6%, ở Ca-na-đa là 27,5%, ở Nhật Bản là 33,4%... và ở các nước châu Á và Mỹ la-tinh, khoảng cách này còn lớn hơn nữa.
Tại các nước là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ nhân viên nữ thấp hơn 13% so với nhân viên nam, và lương của nữ thấp hơn 16% so với nam trong cùng một loại công việc.
Đặc biệt, tỷ lệ lãnh đạo nam vẫn nhiều hơn nữ, trong lĩnh vực chính trị, nữ giới cũng ít được tham gia giữ vị trí cao trong nhà nước… Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải làm việc nhiều hơn nam giới, vẫn phải chịu bạo hành và là nạn nhân của nhiều vụ xâm hại tình dục.
Hiện nay tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở nhiều nơi |
Ở đất nước Việt Nam của chúng tôi, tình trạng bất bình đẳng về giới vẫn còn tồn tại và người phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều gánh nặng công việc, thu nhập thấp và còn bị phân biệt đối xử.
Đặc biệt, tình trạng bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi xa xôi. Hàng năm, báo chí vẫn đưa tin, một số trường hợp phụ nữ bị bạo hành nghiêm trọng mà chưa được chính quyền bảo vệ. Đó là chưa kể có những phụ nữ phải âm thầm chịu bạo hành gia đình trong nhiều năm mà không dám tố cáo, sống mòn mỏi cho tới hết cuộc đời.
Thưa Ngài Antonio Guterres, thiết nghĩ phụ nữ là những người chịu thiệt thòi hơn cả khi họ cũng đi làm một ngày đủ 8 tiếng như nam giới, thế nhưng khi tan sở, nam giới được thoải mái, tự do rủ bè bạn tới những quán nhậu xa xỉ…Trong khi, hết giờ làm, phụ nữ tất bật chạy về đón con, đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái.
Đó là chưa kể, buổi sáng trong khi nam giới thỏa sức cuộn tròn trong chăn với những giấc mộng êm đềm thì phụ nữ phải dậy sớm, cho con cái ăn sáng, đưa con đi học và tới chỗ làm…Vậy mà, trong gia đình phụ nữ lại chẳng hề có tiếng nói, thậm chí bị đánh đập, bị coi thường….
Tôi rất mong, Ngài Antonio Guterres với cương vị mới sẽ có những hành động quyết liệt hơn để xóa bỏ suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu về bất bình đẳng giới hiện nay để phụ nữ thực sự có tiếng nói và được tôn vinh trong xã hội.
Chúc Ngài thật nhiều sức khỏe!
Ms. Thanh
Việt Nam, ngày 17 tháng 1 năm 2017.