Bác sĩ mách cách điều trị viêm nang lông
Viêm nang lông là tình trạng nhiễm trùng da với các sẩn đỏ, mụn mủ xung quanh nang lông khiến người bệnh mất tự tin hoặc có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nặng.
Viêm nang lông là gì?
Theo ThS BS. Trần Ngọc Khánh Nam - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, viêm nang lông (Folliculitis) là tình trạng da phổ biến trong đó các nang lông nông bị viêm dẫn đến sự hình thành của các sẩn đỏ và mụn mủ quanh nang lông. Bệnh thường gặp ở các bộ phận của cơ thể như mặt, đầu, thân mình, chi, vùng sinh dục, nách. Các dạng viêm nang lông phổ biến là viêm nang lông nông và viêm nang lông sâu.
BS Nam cho biết nguyên nhân viêm nang lông thường xảy ra do nhiễm trùng nang lông với vi khuẩn và có thể do vi nấm, virus, kí sinh trùng và một số trường hợp không do nhiễm trùng. Ở người bình thường, viêm nang lông do vi khuẩn là hay gặp và thường do các yếu tố làm dễ thúc đẩy sự gia tăng lượng vi khuẩn trên bề mặt da. Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hay các chủng của Streptococcus (liên cầu) là hai nguyên nhân thường gặp.
Bác sĩ mách cách điều trị viêm nang lông? |
Các yếu tố tăng nguy cơ khác bao gồm khoang mũi chứa tụ cầu vàng, do bít tắc nang lông, ngâm dầm nước hay ra mồ hôi nhiều, hậu quả của các bệnh da có ngứa hoặc do các thuốc bôi da khác…
Viêm nang lông không do nhiễm khuẩn cũng có thể gặp do cạo lông hoặc do thủ thuật triệt lông. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm nang lông nhưng nhóm dễ mắc bệnh là nhóm người có đề kháng kém như mắc bệnh đái tháo đường, bệnh bạch cầu mạn tính, béo phì và HIV/AIDS.
Viêm nang lông thường biểu hiện với sẩn hồng ban và mụn mủ quanh nang lông sau đó có thể vỡ đóng mài. Nếu viêm nang lông nông do vi khuẩn lan rộng đến các vị trí sâu hơn của đơn vị nang lông, các cục viêm đau sẽ xuất hiện gây ra nhọt.
Cách điều trị viêm nang lông
Theo bác sĩ Nam, hiện nay giải pháp trị bệnh tại gia luôn được nhiều người quan tâm, vừa tiện lại nhanh, tiết kiệm chi phí cùng nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ bệnh. Trong mọi trường hợp, luôn hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da trước khi dùng thuốc để kiểm soát nhiễm trùng và hạn chế biến chứng.
Đối với nhiễm trùng nhẹ, các loại kem kháng sinh bôi tại chỗ có thể điều trị hiệu quả kèm với các dung dịch hay xà phòng sát khuẩn. Kháng sinh đường uống thường được chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng nặng, sâu hơn hoặc tái phát. Nếu nghi ngờ viêm nang lông do nấm có thể dùng thuốc điều trị nấm bôi tại chỗ hoặc uống, thuốc kháng virus nếu nguyên nhân là do virus.
Việc điều trị không đúng cách, hay tự ý chích, nặn các sẩn viêm – mụn mủ, nhọt có thể làm lan rộng nhiễm trùng, nhiễm trùng đi sâu hơn vào da, tạo các ổ áp xe hay gây viêm quầng, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng máu. Bên cạnh đó, việc dẫn lưu mủ từ các nhiễm trùng trên da nếu không được thực hiện đúng cách và đúng thời điểm sẽ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ do các vết loét sâu, sẹo xấu, tăng sắc tố sau viêm.
Để phòng viêm nang lông, bác sĩ Nam cho biết mọi người tránh mặc quần áo chật, mang găng tay cao su khô, sạch nếu phải dùng đến các loại phòng hộ này khi lao động. Hạn chế hoặc cạo râu,lông cẩn thận, nên vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi cạo râu. Khi cạo râu, cần cạo theo hướng mọc của râu, tránh dùng chung dao cạo, khăn lau….
Hạn chế tắm và ngâm lâu trong bồn tắm, hạn chế các xây xát trên da và tuyệt đối không tự ý nặn nhọt. Nếu tái phát nên tư vấn bác sĩ để có cách điều trị càng sớm càng tốt. Nên duy trì lối sống khoa học, tích cực, vệ sinh sạch sẽ để hạn chế virus, vi khuẩn, nấm gây nhiễm trùng, phát bệnh.
Khánh Chi