Bác sĩ da liễu chỉ ra những sai lầm mà chị em 'viêm cánh' mắc phải
Mỗi khi thời tiết chuyển sang nóng nực, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) lại trở nên mất tự tin chỉ vì bị “viêm cánh” (hôi nách). Chị không dám đến gần ai và tuyệt nhiên không bao giờ mặc áo trắng..
Chị Hoa cho biết, sợ nhất là mỗi lần ra ngoài, về cơ quan dù đã phải chạy ra nhà vệ sinh để lau nhưng khi bước vào phòng mọi người đều “hắt hủi”. Điều này khiến chị khổ sở không yên.
“Có lần em đã mua rất nhiều loại lăn nách khử mùi khác nhau. Nhưng không thể hình dung được mùi hôi nách trộn lẫn với mùi hương liệu nó ra thứ mùi… mà đến em cũng buồn nôn chứ đừng nói những người xung quanh”, Hoa phân trần.
Không chỉ nữ, nam giới cũng mắc bệnh này. |
Cực chẳng đã, cô quyết định đi khám. Các bác sĩ cho biết nguyên do bệnh hôi nách có thể do tuyến mồ hôi hoạt động quá mạnh kèm sự pha lẫn với vi khuẩn thường phát triển trong môi trường ẩm ướt. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây mùi hôi cho cơ thể còn bao gồm vệ sinh kém, thiếu dinh dưỡng, các vấn đề tiêu hóa, rối loạn di truyền chuyển hóa, bệnh gan hoặc tiểu đường.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như dùng những loại đồ uống có chứa cafein, uống rượu, uống một số loại thuốc, thức ăn cay, mặc quần áo chật, mất nước, stress và căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, tuổi dậy thì, thời tiết nóng...
Đáng ngại là, mặc dù mắc bệnh nhưng nhiều chị em ngại đi khám, lại sử dụng lăn khử mùi hôi như là vật “bảo bối”. Tuy nhiên ngay cả sau khi sử dụng sản phẩm khử mùi mạnh, mùi hôi không dễ dàng mất đi mà có khi còn “dễ sợ” hơn do sự pha trộn như trường hợp chị Hoa là ví dụ điển hình.
Ths. BS Nguyễn Ngọc Yến, trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, bản thân chất lăn nách (làm hết mồ hôi, khô nách- PV) có hoá chất như cồn, hương liệu... Có những vùng da nhạy cảm trong đó vùng da ở nách cũng khá nhạy cảm thì khi dùng quá nhiều thậm chí không thì dị ứng vẫn có thể xảy ra.
Biểu hiện đầu tiên là đỏ, ngứa, rát. Đây là tình trạng khá phổ biến, đáng lưu ý, nếu người bệnh đã dị ứng thì mùa nào cũng có thể mắc.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người lại sử dụng lăn khử mùi chứ không phải lăn để hết mồ hôi. Do đó, thay vì điều trị để giảm tiết mồ hôi hoặc dùng bột khô thấm hút mồ hôi thì lại dùng lăn nách để khử mùi nhằm lấy mùi nọ để đè mùi kia …
Việc làm này, theo Ths. BS Ngọc Yến không hiệu quả. Vì hai loại đều chảy nước như nhau. Thứ hai, thấy không khử được mùi thì lại lăn nhiều, điều này sẽ gây kích ứng, viêm da…
Các bác sĩ cho biết, hiện có nhiều phương pháp điều trị. Theo cách “cổ truyền” có thể dùng phèn chua hút ẩm nhưng hiện cũng có nhiều phương pháp hơn: tiêm botox, phẫu thuật…
Để giảm bớt mùi, BS Ngọc Yến khuyến cáo chị em nên vệ sinh thường xuyên, khi mồ hôi ra cần lau sạch. Giải pháp tình thế có thể dùng bột hút, khủ mùi chứ không nên dùng những loại lăn nách khử mùi.
Tuy nhiên việc làm này cũng bất tiện vì thế BS Yến khuyến cáo, tốt nhất trong những trường hợp này chị em nên đến viện da liễu để khám. Tại đây các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các phương pháp điều trị có hiệu quả lâu dài, an toàn.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, người mắc viêm cánh cần uống nhiều nước để tránh mất nước và loại bỏ độc tố nhanh hơn. Ăn uống lành mạnh, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Tắm thường xuyên với xà bông sát khuẩn. Mặc quần áo bằng loại vải dễ hút mồ hôi, thay quần áo và giặt mỗi ngày. Nên tập thêm bài tập thư giãn và cạo lông nách.
Đặc biệt, người mắc viêm cánh không ăn các loại thực phẩm có mùi như tỏi, ớt, cá, hành tây, thịt đỏ. Không uống thức uống có chứa cafein và rượu. Tránh căng thẳng…
Ngô Huyền