Bác sĩ Afghanistan đình công vì bị chậm lương 14 tháng
Khaama Press đưa tin, hàng trăm bác sĩ Afghanistan từ các tỉnh Samangan và Nuristan đã tụ tập bên ngoài Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) và yêu cầu Ngân hàng Thế giới trả lương cho họ trong 14 tháng qua.
Theo đó, những người biểu tình không chỉ phàn nàn về sự chậm trễ trong việc thanh toán mà còn về tình trạng thiếu thuốc trầm trọng trong các bệnh viện. Các bác sĩ yêu cầu ngân hàng chuyển tiền trực tiếp cho họ thông qua Bộ Y tế Afghanistan hoặc các tổ chức phi chính phủ khác, vì Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA) không có quan hệ với Ngân hàng Thế giới.
Ngoài ra, các bác sĩ cáo buộc nhà thầu người Afghanistan của Ngân hàng Thế giới Asad Fayaz đã ăn cắp tiền lương của họ, người này lấy tiền của tổ chức và bỏ trốn khỏi Afghanistan.
Bác sĩ Afghanistan đình công vì bị chậm lương 14 tháng. (Ảnh: Khaama Press) |
Các bác sĩ cho biết: “Asad Fayaz đứng đầu một công ty tham nhũng dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ tại các tỉnh Samangan và Nuristan”.
Theo các bác sĩ, Fayaz có hợp đồng y tế hai năm ở các tỉnh và đang cung cấp các dịch vụ y tế, thuốc men, trả lương cho các bác sĩ.
Đồng thời, các bác sĩ cảnh báo sẽ tiếp tục biểu tình trong trường hợp lương của họ không được trả.
Được biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan được dự đoán sẽ sụp đổ. Hiện tại, chỉ có 17% cơ sở y tế của Afghanistan hoạt động đầy đủ. Nhiều trung tâm y tế ở Afghanistan đã ngừng hoạt động do thiếu thuốc men và nhân sự. Điều này đã khiến khối lượng công việc tại các bệnh viện ở Kabul tăng lên. Đồng thời, tại thủ đô không có đủ bác sĩ và thuốc men, số lượng bệnh nhân gia tăng càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Mới đây, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Afghanistan, ông Luo Dapeng, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tài trợ cho chương trình y tế của nước này, vốn đã bị ngưng lại khi Taliban lên nắm quyền, trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe bị rơi vào khủng hoảng.
Theo ông Luo Dapeng, hàng trăm nghìn người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất tại Afghanistan gần như không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế đang bị quá tải. Ông cũng cho biết thêm rằng, WHO đang phối hợp với các nhà tài trợ để tìm kiếm các cơ chế hỗ trợ mới cho các cơ sở y tế tại Afghanistan.
Biến động chính trị tại Afghanistan với việc lực lượng Taliban trở lại nắm chính quyền đã đẩy nhiều nhà tài trợ quốc tế vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều trong số này đang kín đáo viện trợ cho chính quyền Taliban, nhưng Afghanistan vẫn có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Trước đó, các quan chức của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan cho biết, họ đã chuyển gần 18 triệu USD từ ngân hàng trung ương Afghanistan (De Afghanistan Bank) cho Bộ Tài chính hôm 10/10.
Ngân hàng De Afghanistan trong một tuyên bố nói rằng, số tiền mặt đã được thu giữ từ các quan chức của chính phủ tiền nhiệm ở các tỉnh Kabul, Panjshir, Khost và Logar. Số tiền được giữ trong Ngân hàng De Afghanistan và được chuyển đến một tài khoản của Bộ Tài chính.
Tuyên bố cho hay, một lượng vàng tương đối lớn cũng đã bị thu giữ, hiện được cất giữ tại Ngân hàng trung ương Afghanistan.
Khủng hoảng nguồn cung, các kệ hàng trống rỗng khiến hàng triệu người Anh gặp khó
Theo Daily Mail, ở Anh, trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung và đợt cao điểm trước Giáng sinh, hàng triệu người dân cho biết họ gặp khó khăn khi mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong hai tuần qua.
Thanh Bình (lược dịch)