Bác Hồ khẳng định nhân quyền từ năm 1945
Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc trước quốc dân đồng bào sáng 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) là một kiệt tác, một áng văn lập quốc vĩ đại. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, bản Tuyên ngôn độc lập còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc và của mỗi người dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ, mở đầu cho Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về nhân quyền (những quyền cơ bản của con người) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi Người nhắc lại câu mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và một câu trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng hai câu kinh điển đó từ hai cuộc cách mạng tư sản của hai cường quốc lớn là Mỹ và Pháp như một chân lý, không ai chối cãi được.
Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. |
Thông qua chân lý đó, Hồ Chủ tịch muốn khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc; và lẽ dĩ nhiên, nhân dân Việt Nam cũng có những quyền đó như nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp cũng như nhân dân tiến bộ trên thế giới. Quan điểm độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập là ở chỗ, Người đã gắn quyền con người vào quyền của dân tộc. Chính vì vậy, Người đã đi từ khẳng định quyền con người đến quyền của dân tộc. “Tất cả các dân tộc trên thế giới, đều sinh ra có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và nhân quyền của mỗi con người là lẽ tự nhiên thì quyền của mỗi dân tộc cũng là lẽ tự nhiên.
Từ đó, Người chứng minh rõ việc các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức bóc lột dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng Pháp đã công nhận. Việc nâng tầm quyền con người thành quyền dân tộc, không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đối với nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột khác trên thế giới. Đối với nước ta, Người khẳng định quyền bình đẳng giữa mọi người và mọi dân tộc là lẽ tự nhiên, là chân lý không thể nào phủ nhận được. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến một điều khẳng định lớn lao hơn: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên, không ai có thể phủ nhận được. Thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ở chỗ đó.
Giữ vững lời thề độc lập, ngay ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ, đề ra những nhiệm vụ cấp bách: Cứu đói; chống giặc dốt; xóa bỏ những thứ thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt; ban hành những quyền tự do dân chủ cho nhân dân; chuẩn bị Tổng tuyển cử; thực hiện nam nữ bình quyền; tự do tín ngưỡng, thực hiện nền giáo dục nhân dân… Đó là những việc làm rất cụ thể của Người và Chính phủ ta nhằm thực hiện quyền con người. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một lần nữa khẳng định Việt Nam cam kết và hiến định các quyền tự do, dân chủ ngay trong Hiến pháp - những quyền mà người dân Việt Nam trong suốt hơn 80 năm bị thực dân đô hộ, hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến không có được.
Ngày nay, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cam kết bảo vệ nhân quyền và thực thi đầy đủ các quyền cơ bản của người dân với mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán được Đảng, Nhà nước ta thực hiện xuyêt suốt từ ngày lập quốc. Trong không khí hào hùng của mùa thu tháng Tám lịch sử, nhắc lại Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa chúng ta khẳng định, nhân quyền luôn được Đảng và Chính phủ ta thực thi từ rất sớm, và nhân quyền cũng là một chân lý trường tồn không một thế lực nào có quyền cướp đi của mỗi người…