Bắc Giang: Hơn 35.000 khách hàng được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh
Nhờ nguồn vốn chính sách, đã có hơn 6.350 lao động được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Ngoài ra, nguồn vốn chính sách cũng đã giúp xây mới và sửa chữa gần 19.950 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 219 căn nhà cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 367 căn nhà ở xã hội.
Đặc biệt, giúp cho 1.590 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập... góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang.
NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, để đạt được kết quả trên, năm 2022, ban đại diện HĐQT ngân hàng các cấp trong tỉnh đã bám sát mục tiêu, định hướng của NHCSXH Việt Nam, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác phối hợp với NHCSXH tỉnh, huyện triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt trên 1.949 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 5.827 tỷ đồng, tăng 423,1 tỷ đồng so với năm 2021.
Theo đó, chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,04%, huy động tiền gửi qua tổ chức, cá nhân đạt kết quả khá; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, các mặt hoạt động được duy trì nền nếp, ổn định.
Thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, từ năm 2018 đến nay, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã triển khai cho vay đạt hơn 274 tỷ đồng với 726 khách hàng còn dư nợ, tăng gần 100 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay mua NOXH hơn 28,5 tỷ đồng với 102 khách hàng, còn lại hơn 245,5 tỷ đồng là vay xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà với 624 khách hàng đang có dư nợ.
Nhờ vậy, hàng trăm hộ công chức, viên chức và người lao động tại các doanh nghiệp có thu nhập thấp được tiếp cận vốn vay ưu đãi để mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở. Qua đó yên tâm lao động, sinh hoạt.
Tại nhiều địa phương, nhiều gia đình, hộ dân từ hộ nghèo đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Năm 2022, doanh số cho vay của toàn huyện Lạng Giang đạt hơn 154,9 tỷ đồng, với hơn 2.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nhờ đó, năm 2022, huyện có 1.200 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 3,29% (theo chuẩn mới).
PV