Bà Phương Hằng từng livestream phản cảm về con của Vy Oanh: Quyền trẻ em phải được thực hiện tốt trên cả MXH!
Trong một số buổi livestream của bà Hằng có đề cập đến con của ca sĩ Vy Oanh với ngôn từ phản cảm. Những thông tin tiêu cực này có thể khiến cho trẻ em tự ti, nhút nhát, trầm cảm, hung hăng hay nhiều rối loạn tâm lý khác.
Đây là quan điểm của ĐBQH, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn Infonet về việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng sau sự việc bà Nguyễn Phương Hằng tổ chức nhiều buổi livestream có nội dung thoá mạ, xúc phạm nhiều cá nhân, trong đó có trẻ em.
ĐBQH, PGS. TS Bùi Hoài Sơn |
Ông đánh giá như thế nào về việc cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng vì hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ cơ quan pháp luật đã thực hiện đúng chức năng của mình. Đây là câu chuyện đã ồn ào một thời gian khá dài và cần phải được xử lý theo đúng tinh thần pháp luật, tránh để tình trạng những tranh cãi dai dẳng, không được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa của xã hội.
Khi chúng ta đã có đầy đủ căn cứ pháp luật, trong đó đáng lưu ý có Luật An ninh mạng và Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thì việc bất kỳ một vi phạm nào của bất kỳ ai cũng sẽ được xử lý. Điều đó sẽ tạo được niềm tin và bài học làm gương, để từ đó chúng ta hy vọng làm lành mạnh môi trường mạng nói riêng, môi trường văn hóa nói chung, giúp ích cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong một số buổi livestream của bà Hằng có đề cập đến con của ca sĩ Vy Oanh. Không chỉ riêng bà Hằng mà còn có một Tiến sĩ trường ĐH Luật, một giảng viên Tiếng Anh và một yotuber khác đều phụ hoạ với những ngôn từ thiếu văn hoá khi bình luận về nguồn gốc ra đời của một em bé. Điều này theo ông có đúng với đạo lý, pháp lý của chúng ta hay không?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Hiện nay, trên mạng xã hội, có nhiều hành động đưa thông tin, chia sẻ hình ảnh không phù hợp, thậm chí vi phạm nghiêm trọng quyền cá nhân của người khác, trong đó đáng lưu ý có quyền của trẻ em. Đây là những hành động không chỉ đáng lên án về mặt luật pháp mà còn đặc biệt phải lên án về mặt đạo đức.
Bà Nguyễn Phương Hằng và các khách mời có những ngôn từ phản cảm khi nói về ''nguồn gốc'' người con của ca sĩ Vy Oanh. |
Trẻ em là một đối tượng đặc biệt, rất nhạy cảm trước những tác động của cuộc sống, còn cả một tương lai lâu dài phía trước, vì thế luôn là đối tượng bảo vệ của toàn xã hội.
Năm 2016, Quốc hội đã ban hành Luật trẻ em, trong đó nhấn mạnh đến những nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em.
Luật cũng quy định rõ trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Ở khía cạnh văn hóa, chúng ta luôn mong muốn có một môi trường văn hóa tích cực, hạnh phúc bao quanh con trẻ, để từ đó chúng ta hình thành nên những công dân yêu những giá trị chân – thiện – mỹ, phát triển toàn diện.
Tôi rất thích một câu nói của ai đó rằng: Không có bức tranh nào rõ rệt về linh hồn của một xã hội hơn là cách xã hội ấy đối xử với trẻ em. Đó là lý do chúng ta luôn mong muốn mọi người đều đối xử tốt với trẻ em như một cách để làm đẹp hơn xã hội.
Những hành động không đúng, không phải với trẻ em không chỉ là sự vi phạm những nguyên tắc của pháp luật mà nguy hại hơn là vi phạm những nguyên tắc của đạo đức.
Nhiều thông tin tiêu cực trên mạng đã ảnh hưởng tới trẻ em. (ảnh minh họa) |
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng trước tình trạng ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội (MXH) với những "giang hồ mạng" sẽ ảnh hưởng đến văn hoá, tính cách của con trẻ. Vậy theo ông, cần làm gì để bảo vệ trẻ không tiếp cận với những văn hoá thiếu chuẩn mực trên?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trẻ em đang trong độ tuổi hình thành tính cách, vì thế rõ ràng những tiêu cực trên mạng xã hội cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ em. Những thông tin tiêu cực này có thể khiến cho trẻ tự ti, nhút nhát, trầm cảm, hung hăng hay nhiều rối loạn tâm lý khác.
Trong khi đó, mạng xã hội nhiều khi lại là kênh thông tin khó có thể thiếu được của nhiều em. Tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng, bản chất của mạng xã hội không tốt cũng không xấu.
Phát minh ra mạng xã hội chỉ với mục đích ban đầu là giúp con người thuận tiện hơn trong cuộc sống, còn cách chúng ta sử dụng nó như thế nào sẽ mang lại tác dụng hay tác hại khác nhau. Đó cũng là cách mà mạng xã hội tác động đến trẻ em.
Vì vậy, để trẻ em phát triển lành mạnh cùng với mạng xã hội, không tiếp cận với những văn hoá thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, theo tôi, sử dụng biện pháp cấm đoán chỉ là giải pháp cuối cùng và ít hiệu quả nhất. Điều mà chúng ta cần làm là xây dựng một mạng xã hội lành mạnh, an toàn, tích cực cho sự phát triển của trẻ em.
Dù ít có tính chế tài nhưng tôi rất tâm đắc với Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Những nguyên tắc như tôn trọng, an toàn, lành mạnh, trách nhiệm đối với quyền trẻ em cần phải được mọi người hiểu rõ và thực hiện thật tốt trên mạng xã hội từ đó hình thành nên một dư luận xã hội phản đối những sai phạm liên quan đến trẻ em.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xử lý nghiêm, mang tính làm gương đối với những trường hợp vi phạm đến quyền trẻ em. Tất cả sẽ giúp cho chúng ta có một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em – tương lai của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
N. Huyền (thực hiện)