Bà mẹ 3 con bán thực phẩm sạch để có sách cho trẻ nông thôn
Là Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về xây dựng và thiết kế nội – ngoại thất, nhưng bà mẹ 3 con Vũ Thị Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn tranh thủ tận dụng quỹ thời gian hạn hẹp để bán thực phẩm sạch với mục tiêu trẻ em nông thôn được đọc sách như trẻ em thành thị.
Với những ai đã quan tâm và theo dõi Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam (SHNTVN) do ông Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, hẳn sẽ biết đến người phụ nữ đã luôn đồng hành cùng SHNTVN trong vài năm gần đây.
Chị là Vũ Thị Thu Hà, một trong những thành viên tích cực nhất, bền bỉ nhất của SHNTVN.
Tuy nhiên, không giống như các hoạt động thiện nguyện thông thường là đi kêu gọi sự ủng hộ trực tiếp, Vũ Thu Hà lại chọn cách khó hơn nhưng bền vững hơn: đó là bỏ công sức đi bán trái cây và hải sản sạch để gây quỹ xây dựng các tủ sách cho trẻ nông thôn.
Với hàng loạt các hoạt động nhằm gây quỹ trước đó, người phụ nữ có khả năng đặc biệt là “lôi kéo” người khác này đã vận động bạn bè và cộng đồng tạo ra hàng nghìn Tủ sách Phụ huynh đưa về các lớp học trên cả nước.
Riêng tại huyện Nam Trực (Nam Định), quê hương của chị, hơn 300 tủ sách đã ra đời nhờ sự góp sức của bạn bè chị và những người con Nam Trực xa quê. Ban đầu, chị cũng chỉ “nhóm lửa” bằng cách tặng mỗi trường 1 tủ sách trong lớp học nhưng phong trào đã gần như phủ kín toàn huyện trong 2 năm qua.
![]() |
Bà bầu Vũ Thị Thu Hà trong ngày đưa sách về Trường THCS Nam Giang, Nam Trực, Nam Định sau khi được bạn bè và những người xa quê góp sức ủng hộ. |
Gần đây, Chương trình “Bán trái cây, gây tủ sách” do chị phát động bằng cách tự mình đi bán những trái bơ, sầu riêng… được chuyển từ Tây Nguyên ra Hà Nội. Sau 2 tháng, Chương trình đã thu được hơn 30 triệu đồng lợi nhuận để mua sách cho các trường học tại Tây Nguyên.
Trong đó, trên 50% đến từ lợi nhuận bán trái cây, số còn lại là tiền ủng hộ của chính những người mua. Nhưng cũng từ chương trình này, những người tham gia đã kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ủng hộ hơn 100 triệu đồng để xây dựng trên 200 Tủ sách Phụ huynh đặt trong lớp học tại 28 trường tiểu học và trung học cơ sở tại các tỉnh Đăk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng.
“Một mình tôi làm sẽ chẳng thấm vào đâu, nhưng tôi muốn chứng minh cho nhiều người thấy rằng không phải cứ có điều kiện mới có thể chia sẻ trách nhiệm xã hội,” chị Vũ Thị Thu Hà nói.
“Tôi chỉ làm cầu nối để các tấm lòng hướng đến trẻ em nông thôn, những đứa trẻ không có gì đọc ngoài sách giáo khoa. Thành công là có nhiều người hiểu và cùng hành động. Có những người nó với tôi rằng việc làm của tôi khiến họ thay đổi suy nghĩ và họ đã chủ động đưa sách về quê hương hoặc kêu gọi xây dựng tủ sách cho lớp học của con cái họ, có những người thành lập các nhóm xây dựng tủ sách trong các lớp học ở vùng sâu, vùng xa.
Những con số đã đạt được là sự chung tay của toàn xã hội, tôi chỉ là người kết nối những tấm lòng của xã hội, là đòn bẩy để thúc đẩy văn hóa đọc.”
Thời gian này, Thu Hà lại tất bật với việc bán hải sản sạch Nam Định nhằm gây quỹ nhân rộng tủ sách, một điều khá thú vị là nữ Giám đốc đang trong thời gian “nghỉ” thai sản sau khi sinh cậu con trai thứ 3 lại không chịu nghỉ mà vẫn trực tiếp đi “ship” hàng cho khách. Lý do được chị đưa ra là để tiết kiệm tiền “ship” cho khách, cũng là để nắm bắt nhu cầu, ý kiến phản hồi, đánh giá của khách hàng.
![]() |
Chị Vũ Thị Hà trong một lần đi "ship" hàng cho khách. |
Đánh giá về “cộng sự” của mình, ông Nguyễn Quang Thạch nói: “Có nhiều chị em đã ý thức được rằng cần thúc đẩy văn hóa đọc để góp phần nâng cao dân trí và họ đã tích cực hành động, trở thành cầu nối cho cộng đồng, kích thích cộng đồng cùng hành động, chị Hà là một trong số đó. Quan trọng hơn, sức lan tỏa của việc làm này đã khiến cho người nhìn vào đó để tự đưa sách về quê hương, con số đó tăng lên theo cấp số nhân chứ không chỉ dừng lại ở những tủ sách do nhóm chị Hà làm tại Nam Định, Tây Nguyên, Lý Sơn hay Tây Bắc…”.
Nói về việc bán trái cây và thực phẩm sạch của mình, chị Hà cho biết xuất phát từ mong muốn phục vụ cộng đồng những thực phẩm an toàn, nhằm đẩy lùi thực phẩm bẩn và dần thay đổi nhận thức của người nông dân thông qua những yêu cầu đặt hàng sạch như nói không với thuốc diệt cỏ, không hoá chất độc hại, không ngâm ủ thuốc bảo quản, không kích thích chín và mọi cái thuận theo tự nhiên để phát triển bền vững.
“Khi đó, một người bán hàng không vì lợi nhuận như mình sẽ có một mũi tên trúng nhiều đích: thoả mãn đam mê kinh doanh, có thêm tiền phát triển tủ sách, đánh thức cộng đồng chia sẻ trách nhiệm xã hội ngay từ việc sử dụng sản phẩm tự nhiên”, chị Vũ Thị Thu Hà chia sẻ.