ASEAN chung tay nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn và cưỡng ép kết hôn
Sự kiện do Ban thư ký ASEAN, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và tổ chức Plan International phối hợp tổ chức.
ASEAN chung tay nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn và cưỡng ép kết hôn . |
Diễn đàn là cuộc đối thoại định hướng hành động giữa nhiều bên liên quan như các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức thanh niên, tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân… tại các nước ASEAN.
Đây cũng là cơ hội để các đại biểu thảo luận về các kế hoạch và hành động chiến lược nhằm trao quyền cho các cô gái và loại bỏ CEFM, phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng văn hóa - xã hội Kung Phoak nhấn mạnh, tảo hôn và cưỡng ép kết hôn ở trẻ em gái không đơn thuần là vấn đề của một số quốc gia ở Đông Nam Á, mà là một thách thức lớn đối với tất cả các nước ASEAN trong việc đảm bảo Công ước về quyền trẻ em (CRC) và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Nguyên nhân, đặc điểm và hậu quả của việc tảo hôn và cưỡng ép kết hôn có khác nhau về hình thức và mức độ ở mỗi quốc gia và địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, tựu chung lại, hai vấn nạn này đều bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới và tệ phân biệt đối xử hoặc có thể do các phong tục, chuẩn mực và truyền thống từ lâu đời, thiếu giáo dục và cơ hội đối với người nghèo….
Thực trạng này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, cản trở sự tiến bộ của xã hội, cướp đi tuổi thơ, quyền được giáo dục và cơ hội cuộc sống đầy triển vọng của hàng triệu trẻ em, đặc biệt là các bé gái trên khắp châu Á.
Tình trạng này cũng dẫn đến những nguy cơ bạo lực, lạm dụng, sức khỏe kém hoặc tử vong sớm. Các giải pháp cho vấn đề phức tạp này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên liên quan và quyết tâm thực hiện các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể và bền vững.
Các đại biểu tham dự diễn đàn đã nêu thực trạng đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu của nạn tảo hôn và cưỡng ép kết hôn. Số liệu cho thấy mỗi năm có hơn 14 triệu trẻ em gái bị cưỡng ép kết hôn và hiện có hơn 700 triệu phụ nữ đã kết hôn từ khi còn là trẻ em.
Điều này cũng dẫn đến tình trạng mang thai sớm ở tuổi vị thành niên với tỷ lệ cao ở khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi 20-24 đã kết hôn hoặc kết hôn trước 18 tuổi dao động từ 35,4% (Lào) đến 11% (Việt Nam).
Diễn đàn cũng đưa ra những bằng chứng và dữ liệu hiện tại về sự phổ biến của CEFM, nêu bật những thách thức trong giải quyết vấn đề này và kêu gọi những nỗ lực hành động để đẩy nhanh việc đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là việc loại bỏ CEFM ở khu vực ASEAN.
Các đại biểu dự diễn đàn đã thảo luận các nội dung chính: thực trạng và nhận thức về CEFM; xóa bỏ CEFM, con đường dẫn đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em; phòng ngừa, ứng phó với CEFM và mang thai ở tuổi vị thành niên; trao quyền kinh tế; chuẩn mực giới và thay đổi nhận thức của xã hội…