APG đánh giá cao hiệu quả phòng, chống rửa tiền của Việt Nam
Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội ban hành năm 2012 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam |
Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền cho rằng, đa số bọn tội phạm rửa tiền thường chọn các quốc gia đang phát triển muốn thu hút nhiều vốn đầu tư để rửa tiền.
Bởi những nước này có thể vội vàng bỏ qua các khâu kiểm tra ngặt nghèo về nguồn gốc số tiền từ nước ngoài mang đến nhằm đạt tốc độ tăng trưởng hấp dẫn hơn.
Theo phân tích các vụ rửa tiền quốc tế, Việt Nam là thành viên của nhóm các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) và trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động phòng chống rửa tiền quốc tế.
Cụ thể, Việt Nam đã hỗ trợ tích cực Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền quốc tế (FATF). Cơ quan phòng tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố thuộc Liên Hợp quốc (UNODC) cũng đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Và trước khi gia nhập APG, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh chống rửa tiền. Từ khi gia nhập APG, Việt Nam đã hình sự hóa hành vi rửa tiền và tài trợ cho khủng bố bằng việc bổ sung tội danh này vào Bộ luật Hình sự được thông qua năm 2009. Tại Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào tháng 10/2015 này, hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng sẽ được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận định, những đánh giá và xếp loại của APG sẽ là thông điệp gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư tại Việt Nam, về sự minh bạch của các giao dịch tài chính và sự lành mạnh của cả hệ thống tài chính Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.