Áp dụng sổ điểm điện tử: Vạn sự khởi đầu nan!
Sổ điểm điện tử đã phát huy nhiều ưu điểm trong công tác quản lý và thuận lợi trong liên lạc giữa gia đình với nhà trường. Ảnh: Bá Hoạt |
2016-2017 là năm học đầu tiên các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội áp dụng sổ điểm điện tử (SĐĐT) để vào điểm, quản lý điểm số của học sinh (HS) thay cho sổ điểm bằng giấy truyền thống. Sự cố nghẽn mạng cục bộ vào cuối học kỳ I vừa qua cho thấy nhiều bất cập, đòi hỏi phải khắc phục kịp thời.
Nhiều tiện ích, không ít trở ngại
Từ năm học 2013-2014, tại một số trường trên địa bàn Hà Nội đã thí điểm áp dụng SĐĐT thông qua hệ thống quản lý thông tin giáo dục của ngành (eschool.edu.vn).
Đến năm học 2016-2017, SĐĐT chính thức được đưa vào áp dụng đại trà tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố, nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời làm tăng độ tin cậy về tính chính xác, khách quan, công bằng về điểm số của HS.
Mọi phụ huynh HS đều có thể tra cứu kết quả học tập của con thông qua mã tài khoản của HS và không mất phí sử dụng.
Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, việc sử dụng SĐĐT giúp giáo viên bớt vất vả hơn so với trước kia trong xếp loại HS.
Thay vì phải tính điểm cho từng em một cách thủ công, mất nhiều thời gian (nhất là vào thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học, khi mỗi lớp có trên dưới 50 HS) mà chưa chắc đã bảo đảm độ chính xác, thì nay chỉ với một số thao tác trên máy tính, việc tính toán, xếp loại học lực của từng HS nhanh và chính xác hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng SĐĐT phải tuân theo những quy trình bắt buộc trong khâu nhập điểm nên giáo viên không thể tự ý sửa chữa, bổ sung điểm; mọi sự điều chỉnh về điểm số của HS đều được lưu vết, có sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ hệ thống. Vì vậy, kết quả học tập của từng HS được quản lý chặt, bảo đảm thực chất.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, giáo viên là những người đặt nhiều kỳ vọng nhất vào việc sử dụng SĐĐT, với mong muốn giảm bớt sự vất vả và sai sót khi tính điểm, nhập điểm cho HS.
Tuy nhiên, sự cố nghẽn mạng, hệ thống bị "treo" do có quá nhiều người cùng thao tác vào thời điểm gần sơ kết học kỳ I vừa qua đã khiến nhiều người băn khoăn, thậm chí có những phản hồi tiêu cực về hệ thống đang áp dụng.
Phản ánh từ các trường học cho biết, để kịp tiến độ sơ kết học kỳ I, nhiều thầy cô phải thức đến 2-3h sáng truy cập vào hệ thống để nhập điểm số, song không phải ai cũng may mắn hoàn tất phần việc của mình.
Trước thực tế ấy, phòng GD-ĐT một số quận, huyện, thị xã đã tập hợp ý kiến của giáo viên, báo cáo Sở GD-ĐT để nhờ can thiệp. Hơn 33 nghìn tài khoản của giáo viên được đề xuất biện pháp hỗ trợ.
Không thể chần chừ
Trước khi áp dụng để nhập điểm số của HS trong học kỳ I, phần mềm đã được thử nghiệm tại 10 trường. Các điều kiện hạ tầng cũng được các bên liên quan hỗ trợ tích cực, bảo đảm cho phần mềm vận hành thông suốt.
Hà Nội cũng đã thành lập tổ công tác gồm các thành viên có năng lực về công nghệ thông tin để trợ giúp, khắc phục lỗi và giải đáp trực tiếp cho giáo viên trong quá trình triển khai.
Tuy nhiên, cũng theo ông Chử Xuân Dũng, qua thực tế sử dụng vào cuối học kỳ thì giáo viên mới hiểu hết được tính năng, quy định của phần mềm và thông qua sử dụng, kỹ năng của giáo viên mới được nâng lên.
Việc tối ưu hóa phần mềm chỉ có thể được thực hiện thông qua quá trình sử dụng, vì vậy, nếu không triển khai vào học kỳ vừa qua thì đến học kỳ tới, phần mềm cũng chưa thể hoàn thiện tối ưu.
Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong áp dụng SĐĐT một phần là do giáo viên còn thiếu kỹ năng, lúng túng khi làm việc trên hệ thống nên làm không đúng, dẫn tới kết quả không chính xác hoặc không ra kết quả.
Vì vậy, việc bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội nhằm giúp đội ngũ này sử dụng và khai thác thành thạo, hiệu quả các tính năng của SĐĐT.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT sẽ đề xuất tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị máy tính bảo đảm các điều kiện để truy cập phần mềm SĐĐT thông suốt, an toàn.
Sau khi phần mềm hoàn thiện, kết quả học tập của từng HS sẽ được gửi trực tiếp cho phụ huynh vào các thời điểm trong tháng, trong tuần, thậm chí theo từng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về tình hình học tập của HS, đồng thời có những giải pháp trong phối hợp quản lý, giáo dục HS.
Nguồn HNM