Anh chăn lợn được yêu hơn hoàng tử
Ya Suy với mẹ và dì ở Tà Hine. |
Trước đêm Gala, ai cũng nghĩ, với kỹ thuật điêu luyện trong giọng hát của mình, Hoàng Quyên sẽ dễ dàng đăng quang cuộc thi Vietnam Idol 2012, nhất là vì cứ sau mỗi tiết mục của cô, các giám khảo chỉ có việc ngồi nghĩ xem phải đưa ra lời khen nào cho khác với lời khen có cánh của những đêm trước. Thế nhưng cuộc sống vẫn luôn có những bất ngờ của nó. Phần đông khán giả không bị “định hướng” bởi những người có chuyên môn, họ vẫn chọn Yasuy- một giọng hát không màu mè, còn run rẩy, hoang sơ, phong độ chập chờn, tay chân lóng ngóng.
Ya Suy thực sự là chính mình, ngay cả khi anh đăng quang, được hỏi số tiền chiến thắng có được từ cuộc thi (nghe đâu sau khi chia xong cho các bạn thì cũng còn tới gần 500 triệu), Ya Suy sẽ dùng vào việc gì. Ya Suy trả lời: “Sẽ dùng để chăm đàn lợn và mua thêm một đàn lợn nữa về nuôi”. Phần đông khán giả bất ngờ và cười bò ra với sự hồn nhiên ấy, bởi họ đã quá quen ở những trường hợp khác, các thí sinh đăng quang sẽ trả lời khéo như kịch: nào là làm từ thiện, nào là để trợ giúp công việc học hành nâng cao năng lực bản thân.
Nghe Ya Suy nói về ước mơ nuôi một đàn lợn sau khi chiến thắng, tôi vừa thấy thương và thấy ngưỡng mộ chàng trai dân tộc này. Bởi suốt mấy tháng trời mon men đến với thế giới showbiz, xuất hiện trên sân khấu đầy ánh đèn màu, xuất hiện trong tiếng hò reo của đông đảo khán giả, anh vẫn giữ được nét hồn nhiên chân chất của mình. Ai dám nói rằng chàng chăn lợn lại không thể được yêu hơn một hoàng tử đây?
Ya Suy có một gia đình ở Tà Hine, có mấy đứa em và một buôn làng với những người Chu ru thương anh thật lòng. Còn nhớ trong lần về thăm buôn làng, nhiều người dân trong buôn đã hỏi Ya Suy: “Sao trên TV Ya Suy đẹp thế mà bây giờ thì xấu thế?”. Ya Suy đã phải giải thích: “Vì có các chuyên gia trang điểm, được mặc quần áo đẹp nên đẹp thôi”, và anh cười ngất.
Nếu không có cuộc thi, Ya Suy vẫn chỉ là một chàng chăn lợn, vun trồng cà phê trên rẫy, thích thì cất tiếng hát vang lên cho vui đời. Còn giờ đây, Ya Suy buộc phải đứng trước một sự chọn lựa, sẽ về quê, dùng tiền để thay đổi cuộc sống của gia đình hay bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp đang mở rộng trước mắt.
Sự lựa chọn nào cũng phải đánh đổi. Nhưng tôi chợt cảm thấy lo lo nếu như càng về sau, Ya Suy sẽ phai nhạt cái chất hồn nhiên của chàng chăn lợn để trở thành hoàng tử, sẽ điệu đà, màu mè, kiểu cách, lúc ấy, liệu anh có còn giữ được tình cảm của khán giả như ngày hôm nay không?
Thế giới giải trí quả là một trái táo hai mặt, nếu không nhờ có nó, bao nhiêu người bình thường sẽ chỉ sống một cuộc đời bình thường trong túng thiếu, nhờ có mặt xanh, họ được biết đến thế nào là danh vọng, giàu sang. Song chính vì mặt đỏ, quả táo ấy đã lấy đi của cuộc sống bao nhiêu những con người chân chất, thật thà, để biến họ thành những công cụ kiếm tiền.
Ya Suy trở thành thần tượng âm nhạc cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì khán giả thường thích những câu chuyện theo công thức “from zero to hero” (từ số không trở thành người hùng). Chiến thắng của anh cho dù có khiến giới chuyên môn vặt tóc bứt tai rồi chê bai “gu” nghe nhạc của khán giả thì cũng đã đem đến cho nhiều người một vài điều suy nghĩ.
Trong một xã hội, số đông thường hành động theo cảm tính, mà cái cảm tính ấy, đương không phải do tính toán mà theo sự mách bảo của trái tim, cứ cái gì chân chất, thật thà, cảm xúc thì dễ khiến người ta xao động.
Khán giả ngày hôm qua, phát rồ phát dại lên, cuồng lên tung hô và nhắn tin để bầu chọn cho Ya Suy, có thể ngày hôm nay, ngày mai, sẽ quên bẵng Ya Suy là ai, bởi họ phải tiếp tục quay về với những mối lo trong cuộc sống thường ngày của họ.
Bởi thế mà tôi lại càng thấy thương Ya Suy, giống như sau một đêm hội, những cỗ xe hết phép đã hóa thành quá bí, người đánh xe sang trọng đã biến thành chuột chạy đi hết rồi, sẽ chỉ còn mỗi anh chàng chăn lợn ngồi lại với cuộc đời mình. Ya Suy của tương lai sẽ thế nào đây, điều đó phải tự do chính anh chàng này quyết định.