Ấn Độ lập cầu không vận, sẵn sàng đáp trả Trung Quốc
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Ấn Độ đang huy động lực lượng khủng của cả 3 binh chủng sẵn sàng hành động đáp trả Trung Quốc.
Lục quân và Không quân lập cầu không vận
Theo báo cáo hôm 21/6 của nhật báo Tribune Ấn Độ, Quân đội Ấn Độ đang tập trung về phía Ladakh, theo đó Lục quân Ấn Độ đang điều tập kết nhiều binh lính và lực lượng tại Ladakh đã tăng gấp đôi so với trước đây. Đường cao tốc đến Ladakh cũng đã được quân đội Ấn Độ tiếp quản, và một số lượng lớn lực lượng bộ binh, pháo binh và công binh cùng vũ khí trang bị đang tập trung tại Ladakh.
Các xe quân sự của Ấn Độ trên đường đến Ladakh. Nguồn: Huanqiu. |
Báo cáo cho biết, do chưa khắc phục được vấn đề khó khăn về cầu đường, Không quân Ấn Độ đã phải thiết lập cầu không vận để có thể nhanh chóng vận chuyển binh lực ra tiền tuyến. Các máy bay tham gia hoạt động không vận lần này gồm máy bay vận tải C-17, Il-76 và An-32.
Trong cuộc xung đột Kargil giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999, Quân đội Ấn Độ đã điều động trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 với khả năng vận chuyển lớn nhất thế giới để vận chuyển pháo, vũ khí và các thiết bị quan trọng khác đến chiến trường. Tuy nhiên, trong hoạt động lần này, không có sự xuất hiện của Mi-26, hiện Ấn Độ sở hữu 3 chiếc Mi-26.
Để thay thế, Ấn Độ đã triển khai máy bay trực thăng vận tải CH-47. Theo báo cáo của NDTV (Ấn Độ), CH-47 có thể dễ dàng vận chuyển pháo hạng nhẹ M-777 đến Ladakh và đây là loại vũ khí chủ lực của Ấn Độ trong giao tranh với Trung Quốc ở khu vực biên giới với địa hình rừng núi.
Ngoài CH-47, theo NDTV, ngày 20/6 đã có một lượng lớn trực thăng tấn công Apache xuất hiện ở Ladakh. Các nhà phân tích quân sự Ấn Độ tin rằng, Trung Quốc đã triển khai nhiều xe tăng tại khu vực này, đây là lý do mà Ấn Độ phải triển khai trực thăng Apache, trực thăng này được coi là “sát thủ xe tăng”.
Cùng với đó, các máy bay không người lái (UAV) trinh sát cũng được tăng cường đến Ladakh để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên không phục vụ thiết lập bản đồ tác chiến cho Lục quân và theo dõi tín hiệu điện từ xung quanh.
Trực thăng Apache của Quân đội Ấn Độ. Nguồn: Huanqiu. |
Máy bay chiến đấu sẵn sàng đáp trả
Báo cáo của NDTV cho biết, Tổng tư lệnh Không quân Ấn Độ Rakesh Bhadauria xác nhận, máy bay chiến đấu của Không quân đang tiến hành tuần tra thường xuyên ở không phận Ladakh để giám sát chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc. “Máy bay chiến đấu của chúng tôi đã được trang bị vũ khí đầy đủ và sẵn sàng đáp trả các hoạt động xuyên biên giới của máy bay Trung Quốc", ông nói.
Cũng theo ông Bhadauria, hàng năm Không quân Trung Quốc đều triển khai lực lượng tiến hành nhiều cuộc diễn tập vào mùa hè ở khu vực kiểm soát thực tế tại Ladakh, tuy nhiên, thời gian gần đây, Tình báo Ấn Độ phát hiện, Trung Quốc triển khai nhiều lực lượng hơn mọi năm tại khu vực này.
Đây cũng là lý do mà Không quân Ấn Độ phải nâng cấp sẵn sàng chiến đấu, đề phòng Trung Quốc có những hành động “xâm phạm” chớp nhoáng. “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ và triển khai đúng cách để đối phó với mọi trường hợp khẩn cấp, chúng ta sẽ không bao giờ để những chiến binh của mình hy sinh trong vô vọng", ông nói với Times of India.
Theo báo cáo của Times of India, ngày 20/6, Không quân Ấn Độ đã điều động các máy bay MiG-29 phiên bản nâng cấp, Su-30MKI, Mirage 2000 và SEPECAT Jaguar đến các sân bay ở biên giới để sẵn sàng thực hiện “các nhiệm vụ khẩn cấp”.
Tạp chí Quan sát Quân sự của Mỹ tiết lộ, hôm 18/6 Ấn Độ đã khẩn trương mua 12 máy bay chiến đấu Su-30MKI và 21 máy bay chiến đấu MiG-29 nâng cấp từ Nga. Moscow cho biết, một khi Ấn Độ đệ trình kế hoạch mua sắm, những máy bay chiến đấu này sẽ được giao trong thời gian ngắn nhất.
Máy bay chiến đấu MiG-29 của Ấn Độ. Nguồn: Huanqiu. |
Hai loại máy bay chiến đấu này của Nga là các máy bay chủ lực của Không quân Ấn Độ và có thể nhanh chóng hình thành sức chiến đấu sau khi được bàn giao. Tuy nhiên, những máy bay này có phải là đối thủ của Trung Quốc hay không thì còn cần phải xem xét, hiện Bắc Kinh cũng đã triển khai máy bay J-10C, J-16 và J-20 ở các sân bay xung quanh khu vực tranh chấp với Ấn Độ tại Ladakh.
Hải quân Ấn Độ cũng không “nhàn rỗi”
Times of India cho biết, ngày 20/6, Hải quân Ấn Độ đã nâng cấp sẵn sàng chiến đấu đối với các tàu chiến tại quần đảo Andaman để có thể kịp thời ngăn chặn sự xâm nhập của tàu ngầm Trung Quốc.
Theo đánh giá của quan chức cấp cao Hải quân Ấn Độ, sau khi xảy ra thương vong ở Ladakh, Trung Quốc có thể sẽ không tiếp tục mở rộng xung đột tại khu vực này, nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc “gây hấn” ở khu vực khác, trong đó quần đảo chiến lược Andaman có thể là địa điểm “gây hấn” tiếp theo của Bắc Kinh. Do vậy, Hải quân Ấn Độ cần tăng cường các tàu hộ vệ tên lửa thậm chí là tàu khu trục tên lửa đến khu vực này, đồng thời phải duy trì 3-4 máy bay tuần tra P-8I để liên tục trinh sát trên không.
Kho hạt nhân Ấn Độ vẫn 'chạy dài' sau Trung Quốc
Dù ngân sách quốc phòng năm 2019 tăng hơn 7% so với năm trước, nhưng kho hạt nhân của Ấn Độ vẫn "chạy dài" sau Trung Quốc.
Đức Trí (lược dịch)