Căng thẳng với Trung Quốc leo thang, Ấn Độ mua khẩn cấp vũ khí Nga
Không quân Ấn Độ đã quyết định mua 33 tiêm kích của Nga giữa lúc căng thẳng biên giới với Trung Quốc gia tăng.
Nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ xác nhận, không quân nước này đã chuyển bản đề xuất tới Bộ Quốc phòng về việc mua 21 tiêm kích MiG-29 và 12 chiến đấu cơ Su-30MKI của Nga.
“Không quân Ấn Độ đã xây dựng kế hoạch này được một thời gian và giờ muốn đẩy nhanh tiến trình cũng như đề xuất kế hoạch có tổng trị giá 800 triệu USD lên Bộ Quốc phòng để được phê duyệt vào tuần tới trong một cuộc họp cấp cao”, nguồn tin chính phủ Ấn Độ chia sẻ với ANI.
Căng thẳng với Trung Quốc leo thang, Ấn Độ mua khẩn cấp vũ khí Nga. (Ảnh: Sputnik) |
Trước đó, vào năm 2008, Nga - Ấn đã ký kết bản hợp đồng trị giá 964 triệu USD để hiện đại hóa 62 tiêm kích hai động cơ một chỗ ngồi MiG-29.
Không quân Ấn Độ cũng quyết định xúc tiến thương vụ mua thêm chiến đấu cơ Su-30 của Nga để thay thế cho những tiêm kích bị thiệt hại sau các vụ tai nạn.
Hồi tháng 10/2019, Tư lệnh không quân Ấn Độ R.K.S. Bhadauria cũng đã lên tiếng xác nhận các tiêm kích Sukhoi-30MKI sẽ được sản xuất tại HAL ở Nasik.
Hồi năm ngoái, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàng không Ấn Độ (HAL) đã đề xuất sản xuất thêm 40 tiêm kích Sukhoi-30MKI với giá 64 triệu/chiếc. Mức chi phí này thấp hơn nhiều so với các tiêm kích đa nhiệm Rafale của Pháp.
Trong khi đó, không quân Ấn Độ đang thiếu hơn 200 tiêm kích để có thể cùng lúc đối phó với hai mặt trận là Trung Quốc và Pakistan. Đây là lý do hôm 16/6, chính phủ Ấn Độ đã trao thêm quyền cho các lực lượng vũ trang tăng cường quy mô kho dự trữ vũ khí chiến tranh.
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn liên tục leo thang trong hơn một tháng qua. Hai bên cũng tiến hành hàng loạt cuộc họp cấp cao để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới ở thung lũng Galvan, nơi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một vụ giao tranh với quân đội Trung Quốc. Song cho tới nay, căng thẳng giữa hai nước vẫn chưa được hóa giải.
Thậm chí, mới đây, quân đội Trung Quốc còn cho tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở cao nguyên Tây Tạng giữa lúc căng thẳng với Ấn Độ sau vụ đụng độ ở vùng biên giới Himalaya.
Cuộc tập trận có sự tham gia của các lực lượng pháo binh, tên lửa, không quân, chiến tranh điện tử, kỹ thuật và đặc nhiệm. Các xe tăng và máy bay không người lái (UAV) cũng được sử dụng trong đợt tập trận bắn đạn thật này.
Khu vực tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc được xác định diễn ra ở núi Nyenchen Tanglha, phía đông Tây Tạng và cách thung lũng Galwan, khu vực xảy ra đụng độ giữa quân đội Trung - Ấn hơn 1.000 km.
Video: Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng
Minh Thu (lược dịch)