Ấn Độ đối mặt với khủng hoảng năng lượng trầm trọng
Theo Indian Express, ở Ấn Độ sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng năng lượng đã được dự đoán do tình trạng thiếu than trầm trọng.
Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA) cho biết, sự phục hồi kinh tế sau các yếu tố khí hậu và đại dịch đã làm tăng nhu cầu điện, dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng tại các nhà máy nhiệt điện của nước này.
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh cho hay, 63 trong số 135 nhà máy nhiệt điện than có thể hết than trong vòng 2 ngày tới, trong khi 17 nhà máy không có dự trữ nhiên liệu. Tổng cộng 75 nhà máy đang bị đe dọa do nguồn cung cấp than bị gián đoạn hoặc nhu cầu tăng cao. Nhiệt điện than chiếm gần 70% sản lượng điện của Ấn Độ và khoảng 3/4 nhiên liệu hóa thạch được khai thác trong nước.
Ấn Độ cũng đang đối mặt với khủng hoảng điện. (Ảnh: Reuters) |
Bộ Năng lượng Ấn Độ trước đó lưu ý rằng, nhu cầu năng lượng tăng là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế vì nó có nghĩa là nhiều hộ gia đình và ngành công nghiệp đang quay trở lại mức trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, đầu mùa mưa lớn trên cả nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động khai thác và vận tải. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự thiếu hụt hiện nay đã vượt quá định mức, nhưng điều này vẫn chưa dẫn đến tình trạng mất điện ở các thành phố.
“Nhu cầu không giảm đi mà sẽ tăng lên. Chúng tôi đã có thêm 28,2 triệu người dùng. Hầu hết trong số họ là tầng lớp trung lưu thấp, nghèo và họ đang sắm thêm những thiết bị điện mới”, Bộ trưởng Singh trả lời Indian Express.
Theo các nhà phân tích tại Công ty tài chính Nomura, nếu Ấn Độ không thể sớm khắc phục tình trạng khan hiếm than, “các công ty ngành điện sẽ đối mặt với viễn cảnh phải nhập khẩu than với chi phí đáng kể” gây tổn hại cho sự phục hồi kinh tế. Bởi vì, đà gia tăng sản xuất hậu đại dịch và nỗ lực giảm khai thác than chống biến đổi khí hậu của nhiều nước đã khiến giá nhiên liệu toàn cầu gần đây leo thang chóng mặt.
“Với nhu cầu điện có khả năng tăng trong bối cảnh khôi phục nền kinh tế và lễ hội sắp tới, sự gián đoạn từ phía nguồn cung gây ra rủi ro nghiêm trọng trong ngắn hạn đối với động lực tăng trưởng”, các nhà phân tích của Công ty tài chính Nomura nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Singh, chính phủ dự kiến nhu cầu sẽ bắt đầu giảm từ nửa cuối tháng 10/2021, nhưng ảnh hưởng của thâm hụt có thể tiếp tục trong 6 tháng nữa.
Cuộc khủng hoảng than ở Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, đồng thời giá điện tăng mạnh ở châu Âu đã đe dọa sự phục hồi kinh tế của toàn bộ khu vực đồng euro.
Giá than thế giới đang tăng kỷ lục khiến nhập khẩu than của Ấn Độ trong tháng 8 và tháng 9 giảm hơn 30% so với mức trung bình nhiều tháng trước đó. Các công ty điện nước này đã cố gắng thực hiện bằng cách mua than rẻ hơn được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị phá bỏ khi trận mưa xối xả vào tháng trước khiến sản lượng tại các mỏ bị cắt giảm.
Đại sứ EU tại Nga cảnh báo rủi ro đối với danh tiếng của Moscow về giá khí đốt
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Nga Markus Ederer cảnh báo khi giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của Nga như một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Thanh Bình (lược dịch)