Ai đang sở hữu sữa Mộc Châu, Vinatea, Vilico?
Thành lập năm 2012, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ năm 2014 với mã GTN, không nhiều người biết đến Công ty cổ phần GTNfoods, nhưng doanh nghiệp này lại có số vốn điều lệ lên đến 2.500 tỷ đồng cùng hàng loạt thương vụ M&A “khủng” như: sở hữu 95% cổ phần tại Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea); 65% cổ phần tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico); 35% cổ phần tại CTCP Thực phẩm Lâm Đồng; 89% cổ phần tại CTCP Tre công nghiệp Mộc Châu (Moc Chau Bamboo); 90% cổ phần tại CTCP Nhựa Miền Trung; và 35% cổ phần tại CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex).
Việc sở hữu 65% cổ phần tại Vilico cũng giúp cho GTNfoods gián tiếp sở hữu cổ phần tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Sữa Mộc Châu) bởi Vilico đang sở hữu 51% cổ phần tại công ty này. Nếu như Vilico được xác định là “con gà đẻ trứng vàng” cho GTNfoods thì Sữa Mộc Châu đúng là “con bò sữa” của Vilico, đóng góp 73% doanh thu cho Vilico trong năm 2016. Sữa Mộc Châu hiện nắm khoảng 20% thị phần sữa nước tại khu vực phía Bắc. Trong cơ cấu sản phẩm của Sữa Mộc Châu, sữa nước chiếm 70% sản lượng sản xuất (trong đó 90% là sữa UHT, 10% là sữa tiệt trùng); sữa chua chiếm 20% sản lượng sản xuất, và phần còn lại 10% là các sản phẩm từ sữa khác như sữa đặc, pho mát. Trong năm 2016, Sữa Mộc Châu báo đạt doanh thu thuần 2.271 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8% và lợi nhuận sau thuế là 182 tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%.
Đáng chú ý là quá trình tăng vốn thần tốc của GTNfoods khiến công ty “lớn nhanh như thổi”. Thời điểm niêm yết cổ phiếu năm 2014, công ty có vốn điều lệ 870 tỷ đồng. Tháng 1/2016, công ty phát hành riêng lẻ thành công 75.200.000 cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng. Tháng 11/2016 công ty phát hành riêng lẻ thành công 100.000.000 cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng. Hai đợt tăng vốn này đã giúp cho công ty tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinatea và Vilico.
Cơ cấu hệ thống GTNfoods sở hữu. Nguồn: Báo cáo thường niên 2016 GTNfoods. |
Theo Báo cáo thường niên 2016 của GTNfoods, nhóm cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 48,44%. Cơ cấu cổ đông của công ty gồm: CTCP Invest Đại Tây Dương nắm giữ 24%; Tael TwoPartners 22%; Penm IV Germany Gmbh & Co.GK 6%; Deutsche Bank AG London 2%; Kingsmead Asset Manegement 4%; SNET Vietnam 2%; Hanil Feed Group 3%; Probus Opportunities 3%; các nhà đầu tư tổ chức khác 8%; cổ đông khác 25%.
Theo ông Tạ Văn Quyền, Chủ tịch HĐQT của công ty, GTNfoods đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực Nông nghiệp và Hàng tiêu dùng tại Việt Nam vào năm 2020 với các sản phẩm hàng tiêu dùng chè, sữa, thực phẩm thịt gia súc, gia cầm.
Mặc dù có cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp nhà nước có bề dày lịch sử, nhưng kết quả kinh doanh năm 2016 của GTNfoods lại rất khiêm tốn: Doanh thu 1.822 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 16 tỷ đồng. Ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 2.176 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 25 tỷ đồng, tăng lần lượt 79% và 336,8% so với cùng kỳ nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Vilico từ đầu năm nay.
Sau một loạt thương vụ M&A gần đây, công ty sẽ rút khỏi mảng kinh doanh phi thực phẩm bằng việc thoái vốn tại CTCP Nhựa Miền Trung và Moc Chau Bamboo. Các sản phẩm từ da và gỗ dưới thương hiệu Forimex sẽ được một công ty liên kết mà GTNfoods có 35% cổ phần vận hành. Ước tính số tiền thu về từ thoái vốn và nguồn tiền mặt hiện tại, khoảng 1.300 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vilico và Sữa Mộc Châu.
Có vẻ như đích cuối cùng của GTNfoods vẫn là thâu tóm hoàn toàn Sữa Mộc Châu, một trong những nông trại bò sữa lớn nhất Việt Nam. Bằng chứng là gần đây công ty đã ký hợp đồng với một công ty marketing nổi tiếng, The Purpose Group, để định vị lại sản phẩm, tăng độ nhận diện thương hiệu và gia tăng các hoạt động marketing cũng như mở rộng danh mục sản phẩm. Tiếp đó, công ty sẽ mở rộng sang thị trường phía Nam.