7 ngôn ngữ dân tộc trong bộ hòa mạng mới của Viettel
Ngày 29/1, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức ra mắt bộ tính năng Buôn làng dành riêng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, bộ tính năng mới được thiết kế với 7 “phiên bản” hỗ trợ 7 ngôn ngữ riêng biệt dành cho đồng bào Thái, Tày – Nùng, Mông, Dao, Gia-rai, Khơ-me và Ê- Đê. Toàn bộ thông tin hướng dẫn dử dụng được dịch ra tiếng dân tộc hoặc dùng hình ảnh minh họa giúp bà con dễ thực hiện thao tác.
500 phần quà là bộ thiết bị đèn và sạc pin năng lượng mặt trời cũng được Viettel gửi tặng đến bà con dân tộc tại các vùng không có điện lưới nhân dịp ra mắt bộ tính năng Buôn Làng. |
Ngoài ra, Viettel cũng dành riêng tổng đài miễn phí 902 để tra cứu tài khoản miễn phí dành riêng cho bộ tính năng Buôn Làng. Các chương trình giải trí tổng hợp như kho nhạc dân tộc, chuyện dân gian, tin tức (tổng hợp 1 lần/tuần), hướng dẫn nông nghiệp.... cũng được cung cấp qua đầu số 3334 miễn phí 15 phút/ngày. Viettel cũng có tính năng định vị bổ sung, giúp bà con biết được vị trí của mình với cước phí 100 đồng/tin nhắn.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc công ty Viễn thông Viettel, với bộ tính năng Buôn Làng, Viettel đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có tổng đài chăm sóc khách hàng bằng tiếng dân tộc. "7 ngôn ngữ mà Viettel cung cấp có thể dùng cho 21 dân tộc. Công ty cũng đã mất 3 tháng để làm việc với viện ngôn ngữ để dịch chính xác các dịch vụ trả lời tự động của Viettel. Riêng tổng đài trả lời trực tiếp, công ty đã tuyển chính điện thoại viên người dân tộc để giải đáp thắc mắc của thuê bao".
Vị này cũng cho hay, chi phí xây dựng hệ thống trạm để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số gấp hàng chục lần tại đồng bằng, chưa kể tới chi phí vận hành, chạy máy nổ 24/24h do nhiều vùng chưa được cung cấp điện. Hiện tại, theo đại diện của Viettel, mức độ sử dụng điện thoại di động của đồng bào dân tộc ít người là khoảng 25%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình tại Việt Nam là 60-70%.
Hạ Minh