7 bước nhỏ để thay đổi cuộc sống lớn
Hầu hết chúng ta luôn quyết tâm thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn, tuy nhiên, các nhà tâm lý học lưu ý rằng, bạn càng đặt ra nhiều nhiệm vụ thay đổi cho bản thân, thì nguy cơ thất bại càng cao.
Một vài thay đổi nhỏ và thói quen không đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về thời gian và sức lực lại có thể đạt hiệu quả cao trong cải thiện chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là danh sách bảy hoạt động đơn giản như vậy. Hãy thử thực hành một hoặc nhiều hoạt động trong số đó trong vài tuần, bạn sẽ ngạc nhiên vì kết quả nhận được.
Mỗi tuần một lần thử một loại rau mới
Thường thì bạn sinh hoạt theo thói quen, cả ăn uống cũng vậy. Đi mua đồ bạn sẽ thường chú ý những thực phẩm, những loại rau mà gia đình bạn hay ăn, thích ăn. Tuy nhiên, bạn nên thử các loại rau mới.
Có thể không phải mọi lựa chọn rau mới đều phù hợp với sở thích của bạn, nhưng cũng sẽ giúp bạn tìm thêm được nhiều món rau mới phù hợp với khẩu vị của bạn.
Trong khi đó, rau rất tốt cho sức khỏe, đừng ngần ngại thử những điều có thể mang lại lợi ích cho cơ thể bạn.
Tập luyện chân và mắt cá chân
Chỉ cần một phút mỗi ngày là đủ để làm ấm và rèn luyện mắt cá chân. Theo cựu vận động viên thể dục thể thao kiêm huấn luyện viên trưởng Ryan Hurst của Gold Medal Bodies, đây là cách phòng ngừa tuyệt vời đối với các cơn đau ở đầu gối và khớp chân.
Bạn có thể thực hiện các chuyển động tròn bằng chân trong khi xem bộ phim yêu thích của mình và kiễng chân lên khi đang đứng chờ xe buýt hoặc đang đọc một tin nhắn…
Giấc ngủ sẽ ngon hơn nếu không có điện thoại thông minh trong phòng ngủ
Các nhà khoa học đã nhiều lần nói tác động tiêu cực của đồ dùng điện tử đến giấc ngủ. Nhiều chuyên gia khuyên bạn nên không sử dụng điện thoại thông minh ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Nhất là đừng để điện thoại thông minh trong phòng ngủ, vì chỉ cần đèn báo sạc nhấp nháy có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin (hormone ngủ).
Ngồi xuống khi có thể
Bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để ngồi xổm xuống khi có thể. Dù là đang chơi với một đứa trẻ, thu dọn đồ đạc vương vãi trên sàn, đợi nước sôi trong ấm… thì hãy ngồi xuống.
Chỉ cần ngồi xổm xuống càng nhiều lần trong ngày càng tốt. Nhưng phải ngồi một cách thoải mái. Đây là một cách rất hiệu quả để rèn luyện sự cân bằng của cơ thể, huấn luyện viên Ryan Hurst giải thích.
Tắm nước lạnh như một bài tập rèn luyện ý chí
Thường thì bạn sẽ được khuyên nên tắm nước ấm. Tuy nhiên, tắm nước lạnh không chỉ có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, mà còn làm chậm quá trình lão hóa và thậm chí giúp vượt qua chứng trầm cảm. Để tập việc tắm nước lạnh, ban đầu bạn nên tắm nước bình thường, sau đó giảm dần xuống.
Tuy nhiên, bạn không nên nóng vội tập tắm nước lạnh ngay mà hãy tập dần, mỗi ngày một chút, nhiệt độ nước cũng không nên lạnh quá. Và việc tắm nước lạnh cũng không cần thực hiện thường xuyên.
Học cách giảm căng thẳng
Bạn có thể giảm căng thẳng bằng cách trấn tĩnh và chạm mạnh vào 5 điểm liên quan đến xúc giác trên cơ thể bạn. Có thể là ấn bàn chân xuống sàn, chà sát cổ… Điều này có thể ngay lập tức tái tạo sự tập trung của bạn.
Uống nhiều nước hơn
Trên thực tế, có nhiều người trong ngày không uống đủ lượng nước được khuyến cáo. Uống ít nước làm chậm quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến quá trình vận hành của các cơ quan, từ đó làm cho bạn thấy khó chịu.
Tuy nhiên, khi tâm trạng không tốt, bạn chỉ luôn tìm kiếm nguyên nhân từ những điều khác mà không nghĩ rằng do bạn uống thiếu nước.
Hãy tận dụng mọi thời gian để uống nước, dù là nửa ly trong lúc đợi nước sôi, một vài ngụm trước bữa tối. Hãy nhớ rằng một cốc nước ấm vào buổi sáng là rất quan trọng, giúp thanh lọc cơ thể cũng như bù lượng nước mất đi qua một đêm dài sâu giấc.
Hạ Thảo