60 phút mở của VTV, “đừng kịch hóa chương trình hướng tới sự thật”
Với số đầu tiên "60 phút mở" chủ đề "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì", VTV đã hứng chịu không ít "búa rìu" của cộng đồng mạng. Số thứ 2 chủ đề "Làm từ thiện để làm gì", VTV lại tiếp tục đón nhận những phản ứng trái chiều từ dư luận.
Thực tế, mỗi người làm gì đều có những động cơ mục đích riêng, nhưng có những cái không phải cứ truy tận nơi là rõ được động cơ và nguyên nhân. Đã đành, phản biện sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn vấn đề, nhưng không phải cái gì đem ra bàn động cơ cũng là tốt, là minh bạch, là cởi mở...
Nhà báo Tạ Bích Loan và chương trình 60 phút mở "Từ thiện là vì ai?" |
Chưa kể, nhiều độc giả cho rằng việc đưa ra những tranh cãi bất tận của những vấn đề có nhiều đáp án, chẳng đem lại gì cho xã hội, mà còn dễ làm tổn thương những người khác, nhất là không khéo léo dẫn đến áp đặt suy nghĩ. Cụ thể, "làm từ thiện là vì ai", câu hỏi này sẽ gây tổn thương những người tốt, tổn thương những tấm lòng hướng thiện, cho dù cái hướng thiện đó là vì ai.
Dưới đây Infonet xin đăng lại bài viết thể hiện quan điểm của một trong những bạn trẻ khi xem chương trình 60 phút mở của VTV, Hạ Hồng Việt, một Facebooker rất trẻ nhưng được nhiều người chú ý với những phát biểu khá già dặn.
Facebooker Hạ Hồng Việt |
Có một show tên gọi "60 minutes" lên sóng trên kênh truyền hình Mỹ từ năm 1968. "60 phút mở" của VTV không thể không khiến người ta liên tưởng tới show "60 minutes" này. Sau đây tôi tạm gọi "60 phút mở" là TA còn "60 minutes" là TÂY cho dễ phân biệt và đỡ lằng nhằng.
Nếu format chương trình TÂY là MC trong vai một nhà báo điều tra, đối thoại với khách mời, dùng những chứng cứ, lập luận, "dồn khách mời tới đường cùng", mục đích cuối cùng là buộc đối tượng phải nhận sai lầm. Vấn đề được chọn thường là một sự thật khủng khiếp đã bị giấu nhẹm trong thời gian dài. Giống như năm 2001, TÂY đã khui ra vụ việc thảm sát Thạnh Phong chủ mưu là Bob Kerrey và buộc ông thừa nhận sự thật đó. Trước đó vào năm 1998, khi nói về sự việc này, Mr.Bob đã kể rằng đội của ông bước vào làng và đã bị bắn, bọn ông chỉ bắn trả. Tuy nhiên để tránh sa đà, ở đây chỉ nhắc đến sự việc của Bob Kerrey như một ví dụ điển hình về phong cách làm chương trình của TÂY. Rất kỹ lưỡng trong việc chọn chủ đề và đã có sự chuẩn bị chứng cứ chi tiết kỹ càng.
Chương trình của TA do chị Tạ Bích Loan chủ trì không có ghi là bản quyền format của TÂY, và những gì tôi nhìn thấy trên thực tế thì chương trình này đã truyền tải một tinh thần méo mó của TÂY.
Thứ nhất, thông điệp của "60 minutes" là sự thật, là sự rớt đài của khách mời, là những gì đã bị giấu nhẹm bị tung hê lên, thuyết phục người ta bằng những bằng chứng xác thực. Còn thông điệp của TA thì là cái gì ngoài dòng chữ đi kèm chương trình? Và thường được kết luận ở cuối một cách thiếu thuyết phục và mơ hồ.
Xem xong 1 chương trình người ta vẫn không biết chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì, xem xong chương trình thứ 2 người ta càng không hiểu làm từ thiện rút cục là vì ai. Tôi hy vọng sẽ có một chương trình tên là: "60 phút mở - Chúng tôi làm chương trình này để làm gì?", và mong rằng đội ngũ sản xuất có thể đưa cho chúng tôi những câu trả lời thuyết phục.
Thứ hai, chương trình thay vì hướng tới sự thật, thì đang làm biến dạng sự thật. Bằng cách đặt một câu hỏi chung chung, với mỗi người đều có một đáp án, thì sau khi xem chương trình, rốt cục người xem chỉ cảm thấy sai sai ở đâu đó. Clip của VTC ngay từ đầu đã được mặc định là sai để từ đó tấn công vào hành vi chia sẻ cái clip này, trong khi clip này chưa từng được các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận một cách nghiêm túc là ngụy tạo. Chương trình vừa rồi tôi thấy buồn cười ở một việc nữa đó là trò lấy ý kiến đánh giá của khán giả đang xem. BTV Tạ Bích Loan đã kết luận sau chương trình số khán giả kết luận người ta làm từ thiện là vì bản thân họ đã tăng từ 5% lên 15%. Kết luận này dựa trên khảo sát 20 khán giả theo tôi quan sát được, và tức là có 2/20 người đã thay đổi quan điểm sau khi xem các vị "tranh luận"…
Thứ ba, là văn hóa tranh luận và theo dõi tranh luận của cộng đồng. Văn hóa tranh luận giữa những người tham gia chương trình đã bị bóp méo bởi những cảnh quay cắt cúp, thành ra tất cả quan điểm của họ nói ra đã trở thành quan điểm của Biên tập viên, của người viết kịch bản, của người xử lý hậu kỳ. Họ thấy đoạn nào hay theo ý họ thì họ giữ lại. Thật ra TV hay báo chí thì quyền lực vẫn thuộc về Biên tập mà thôi, nhưng mà nói thế để hiểu cuộc tranh luận trong chương trình này là thiếu văn hóa. Tiếp đến là cách theo dõi tranh luận của cộng đồng. Chúng ta vẫn thường coi 1 vạn cái lý không bằng 1 tí cái tình, Trạng Quỳnh và Xiển Bột lên ngôi, logic lập luận vứt đi hết một khi nước mắt em tuôn rơi. Việt Nam là một dân tộc đàn ông, rộng lượng và bao dung, chỉ nhiêu đó có thể bỏ qua lập luận và logic được rồi. Thế nên cuộc tranh luận thì méo mó, người theo dõi thì thiên lệch, TA tạo nên một cục diện hỗn loạn khi người ta tụ tập và nói về chương trình trên mạng xã hội.
Tôi đã thấy cái cách nói mà không sợ đụng chạm của chị Tạ Bích Loan, đó là tinh thần của bản gốc TÂY, nhưng nó chỉ nên xuất hiện khi 2 người đối diện với nhau, tranh luận bình đẳng. Nó không nên xuất hiện như một vở kịch có vai diễn, có vai chính vai phụ, có người dẫn chuyện, có phe thiện và phe ác, như cách mà TA đang làm. Cuộc sống thực tại người ta đã diễn với nhau đủ lắm rồi, đừng kịch hóa những chương trình hướng tới sự thật, hướng tới những cái "mở" như tinh thần và cách đặt tên của các bạn.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết