6 việc cha mẹ thui chột sự tự tin của con
1. Nói rằng ước mơ của con là viển vông
Con gái bạn có thể luôn tin rằng cô bé sẽ trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp, còn con trai bạn lại tin rằng thằng bé có thể giành giải Oscar.
Đôi khi việc bạn bảo vệ chúng lại chỉ khiến chúng nghĩ rằng: “Mình không thể làm được việc này”.
Nếu bạn lo lắng con trai mình có những kỳ vọng không thực tế, bạn có thể giải thích cho thằng bé các bước để nhận được giải Oscar, để cu cậu tự nhận ra những gì cần phải làm để đạt được điều đó. Nhưng hãy nhớ khẳng định rằng nếu con thực sự nỗ lực thì con có thể thực hiện được ước mơ. Bởi vì, dù tin hay không thì chắc chắn cũng sẽ có một ai đó ở một nơi nào đó làm được điều này, vậy tại sao lại không phải là thằng bé chứ?
2. Nói với con rằng việc đó dễ lắm
Khi con trai bạn đang chật vật để ghi nhớ bảng cửu chương thì bạn có thể nói “nó không khó đâu, con có thể làm được” để khuyến khích con. Còn nếu bạn nói rằng nó dễ lắm thì thằng bé có thể cảm thấy bản thân mình có vấn đề gì đó khi mà một việc “dễ dàng” lại trở nên khó khăn với mình.
Thay vào đó, hãy nói rằng “Phép nhân có thể khó đấy, nhưng mẹ biết con có thể làm được mà”. Nếu nói như vậy, khi cu cậu hoàn thành xong, thằng bé sẽ thấy mình là người có thể làm được những việc khó khăn.
3. Chú ý chi tiết đến ngoại hình của mình
Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết rằng khi bạn nói trẻ nên giảm cân nghĩa là bạn đang làm giảm sự tự tin của con, nhưng có một điều mà nhiều cha mẹ không nhận ra là nếu bạn nói như thế với chính mình, thì điều đó cũng ảnh hưởng tới sự tự tin của đứa trẻ.
Khi bạn nhìn vào gương, quắc mắt lên chê cặp đùi của mình thật khủng khiếp, nghĩa là bạn đang gửi đi thông điệp: ngoại hình là quan trọng. Và ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã ngấm dần điều này và bắt đầu xác định sự tự tin của mình qua ngoại hình.
Hãy làm những gì bạn có thể để đứa trẻ của bạn thấy sự tự tin không phụ thuộc vào ngoại hình. Hãy cho trẻ thấy ngoại hình không phải là thứ quan trọng nhất.
4. Khen trẻ “làm tốt đấy”
Khen ngợi là một cách để củng cố sự tự tin của trẻ, nhưng khi nó trở thành thói quen thì tác dụng hoàn toàn ngược lại. Vì thế, khi trẻ chỉ làm được một việc nhỏ mà bạn vẫn khen ngợi thì nó không thực sự hữu ích.
Hãy dùng những từ cụ thể hơn để khen ngợi và chỉ khen khi hành vi đó là nỗ lực thực sự của trẻ.
5. So sánh
Đừng nghĩ rằng khi bạn khen đứa trẻ khác là bạn đang lấy một tấm gương tốt ra cho đứa trẻ của mình soi vào. So sánh chỉ làm cho con bạn cảm thấy mình không đáp ứng được mong mỏi của bố mẹ và những đứa trẻ khác làm tốt hơn chúng rất nhiều. Hơn hết, khi chúng ta so sánh, nghĩa là chúng ta đang có xu hướng lấy điểm yếu của một người so sánh với điểm mạnh của người khác.
Thay vào đó, hãy nhận ra rằng mỗi đứa trẻ là một cá nhân có khả năng riêng và thế mạnh riêng. Hãy chỉ so sánh con bạn với chính bản thân nó và tập trung vào những điểu tích cực.
6. Khen ngợi những đặc điểm bẩm sinh
Những đứa trẻ được cho là thông minh thường làm bài thi tệ hơn những đứa trẻ được cho là có sự nỗ lực. Khi chúng ta chuyển sự tập trung từ những thứ mà trẻ có thể kiểm soát – như sự chăm chỉ - sang những thứ mà trẻ không thể kiểm soát – như sự thông minh, thì sự tự tin của trẻ sẽ giảm xuống. Bởi vì trẻ sẽ thấy thất vọng và khó chịu khi chúng không thể kiểm soát được bản thân mình.
Thay vì nói với trẻ rằng con là một nghệ sĩ thiên bẩm, thì hãy nói rằng bạn đánh giá cao việc trẻ đầu tư thời gian vào việc nào đó. Bằng cách khen ngợi những thứ mà trẻ có thể kiểm soát, trẻ sẽ tự tin khi biết rằng mình có thể làm được những việc này.
Nguyễn Thảo/nguồn VNN