6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 2,8%
Ngày 1/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá: “Tăng trưởng nông nghiệp 6 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn so với mong đợi".
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, GDP nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 ở mức 2,36%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. |
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng khẳng định, trong 6 tháng cuối năm Bộ sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trên cơ sở đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân.
Theo đó, 6 tháng cuối năm giá trị tổng sản lượng của ngành nông nghiệp phải đạt 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi mà Chính phủ đặt ra cho ngành.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm, nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015, đạt 2,36% - mức này cao hơn năm 2013 (đạt 2,14%) nhưng thấp hơn so với năm 2014 (2,9%); giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489.000 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, trồng trọt có tốc độ tăng trưởng thấp nhất 1,08%, thấp hơn 6 tháng đầu năm 2014 là 1,72%, kéo tốc độ tăng của ngành xuống thấp. Nguyên nhân là những tháng đầu năm, ngành trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Mặc dù tiêu thụ nông sản (lúa gạo, vải…) đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 5/12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm như chè, cao su, gạo, cà phê, thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Kim ngạch xuất khẩu gạo giảm. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, gía trị nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp 6 tháng ước đạt 11,36 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2014; tăng nhiều nhất là hạt điều thô tăng 2,1 lần, ngô tăng 20,7 lần, phân bón tăng 12,2 lần. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,05 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ.
Đối với lĩnh vực thủy sản: Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1,496 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2014. Đối với hoạt động nuôi trồng, do phải đối mặt với thời tiết bất thường, khó khăn, cản trở về thị trường tiêu thụ nên sản lượng nuôi các mặt hàng chủ lực (tôm, cá tra) giảm. Cụ thể tôm đặt 236 nghìn tấn, giảm 2,5%. Tuy nhiên các đối tượng nuôi khác vẫn tăng nên đạt 1,574 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2014. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,071 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có 9 giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên sẽ tập trung vào 3 nhóm trọng tâm cho sản xuất.
Thứ nhất là rà soát lại chuỗi giá trị đối với sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ví dụ đối với lúa gạo, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất giống lúa có chất lượng cao, theo dõi diễn biến thị trường thế giới, hướng dẫn sản xuất vụ lúa Thu Đông với quy mô lớn hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai là chủ trương thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Chúng tôi đã ký quyết định thành lập một tổ công tác đặc biệt để làm nhiệm vụ này. Tập trung rà soát phí, lệ phí, đơn giản hóa, cắt bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, áp dụng công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ công trực tuyến… cố gắng cao nhất để giảm mức tối đa về thời gian, công sức, thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp", Bộ Trưởng khẳng định.
Và giải pháp thứ ba là tháo gỡ khó khăn vướng mắc để duy trì, mở rộng thị trường hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Chỉ đạo các Tổng cục, các Cục làm việc với các thị trường cụ thể, tạo điều kiện để nông sản có thể thâm nhập vào từng thị trường.