5 xã trong huyện có dịch cúm gia cầm, Nghệ An cấp vắc xin khẩn cấp dập dịch H5N6
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, ngày 19/2, trên địa bàn Nghệ An lại xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu). Đây là ổ gia cầm thứ 5 xuất hiện tại huyện Quỳnh Lưu.
Như vậy, tính từ ngày 5/2 đến nay, trên địa bàn Nghệ An, đã xảy ra dịch cúm gia cầm H5N6 tại 5 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu là Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hưng và Quỳnh Ngọc. Tổng số gia cầm buộc tiêu hủy khoảng trên 700 con.
Gia cầm cần được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để phòng dịch. Ảnh: Quang An |
Cấp 2 triệu liều vắc xin khẩn cấp tổ chức dập dịch A/H5N6
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau khi xảy ra 5 điểm dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Quỳnh Lưu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đã cung ứng 2 triệu liều vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm A/H5N6 cho 9 địa phương tổ chức tiêm phòng gồm: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, thị xã Hoàng Mai và TP Vinh. Đồng thời cung ứng 10 nghìn lít hóa chất cho các địa phương phun tiêu độc, khử trùng.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An Đặng Văn Minh cho biết, Nghệ An đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh, chết đúng quy định. Đồng thời lấy mẫu giám sát các hộ chăn nuôi gia cầm liền kề ổ dịch. Ngoài ra, vận động, khuyến khích người chăn nuôi mua vôi bột, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng.
Để công tác phòng, chống các loại dịch bệnh liên quan đến dịch Cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, chấm dứt tình trạng dịch bệnh lây nhiễm, lan tràn, trong cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh vừa được tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh yêu cầu trong thời gian tới, toàn tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp trong các văn bản hướng dẫn từ tỉnh, các cơ quan chuyên môn. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, kịp thời phòng, chống các loại dịch bệnh liên quan đến dịch cúm gia cầm.
Chủ động khống chế, bao vây, xử lý dứt điểm khi mới phát hiện, không để dịch lây lan trên diện rộng; chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin các bệnh theo quy định, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm; tăng cường giám sát dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là, đặc biệt giám sát chặt chẽ công tác vận chuyển gia súc, gia cầm; chuẩn bị đủ hóa chất; quản lý, hướng dẫn cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về tái đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương cần nghiên cứu quy hoạch khu tiêu hủy và quản lý việc tiêu hủy; tránh chăn nuôi đầu nguồn nước...
Tại các địa phương đang có dịch, ngoài các nhiệm vụ chung, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khống chế dịch bệnh nhanh nhất; lưu ý thành lập các đoàn kiểm tra tránh để bùng phát các dịch bệnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn cho các hộ gia đình chăn nuôi và các trang trại thống nhất chung về điều kiện chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng dịch, lựa chọn con giống; tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương kiểm tra, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Sở NN&PTNT tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao; tham mưu hỗ trợ người dân chuyển đổi đàn vật nuôi trong vùng dịch... Sở Y tế cần có danh mục khuyến cáo các loại bệnh có thể lây từ gia súc, gia cầm sang người để người dân nắm bắt được thông tin.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 Lê Đình Huệ cho biết: Nguyên nhân dẫn đến các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại tỉnh Nghệ An là do người dân vứt xác các loại vật nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường làm cho các loại mầm bệnh nguy hiểm lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi; cùng với đó, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh phòng dịch, chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi thả tự do. Tại nhiều gia trại tiêm phòng vắc xin trôi nổi, không kiểm soát được... Nghệ An có tổng đàn gia cầm lớn với 25 triệu con gia cầm. Thế nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm trên 85% tổng đàn vật nuôi; mật độ chăn nuôi cao, việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền mầm bệnh gặp nhiều khó khăn. |