4 tháng mắc Covid-19 hai lần, liệu tôi có thể mắc lần 3, 4 nữa không: 'Nếu mắc lần nữa chắc tự tử mất'
Ngày càng nhiều người mắc Covid-19 lần 2 khi chưa quá 6 tháng. Điều này khiến họ băn khoăn, liệu họ có thể mắc tiếp lần 3? Một người có thể mắc Covid-19 bao lần?
Anh N.V. T (Phúc La, Hà Đông) cho biết, anh biết mình mắc Covid-19 lần 1 sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng vào giữa tháng 11/2021. Sau khi có kết quả xét nghiệm khắng định bằng phương pháp PCR anh được điều trị cách ly tại nhà.
Cứ ngỡ sau lần mắc ấy anh sẽ “bất tử” vì đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin và tuyệt đối không ăn uống ở ngoài. Tại cơ quan làm việc anh cũng luôn ý thức tuân thủ các biện pháp 5K.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn hai tháng anh lại mắc Covid- 19 lần thứ 2 sau khi con lớn của anh dương tính. Triệu chứng lần này của anh khác trước (mất mùi) còn lại vẫn có các biểu hiện sốt, ho khan, đau họng…
“Tôi stress nặng, dù được cách ly tại nhà nhưng cảm thấy xuống sức nhanh chóng”, anh T cho hay.
Tương tự với người đàn ông này, chị H. H (Đống Đa) cũng rơi vào tình trạng mệt mỏi sau khi mắc Covid-19 lần thứ hai. Người phụ nữ này cho biết “nếu mắc lần nữa chắc tự tử mất”.
Đến viện khám hậu Covid-19, chị kể từng nhiễm Covid-19 lần 1 vào hồi tháng 10/2021. Cả nhà thời điểm đó bị chia ra tứ phía cách ly tập trung. Những ngày tháng sống trong stress, lo cho người thân ở các điểm cách ly tập trung khác sinh hoạt, chữa bệnh ra sao… khiến chị H. gần như mất ăn mất ngủ.
Mỗi người có thể mắc Covid-19 bao nhiêu lần? |
“Rồi thì cả nhà cũng khỏi bệnh trở về. Nhưng đến cuối tháng 2/2022, tôi lại là người đầu tiên trong nhà mắc lại. Lần này không phải đi tập trung, cũng không bị mất mùi nhưng người cứ như không xương, vật vờ, mệt mỏi. Đau nhức người, đau rát họng, ho như muốn nổ phổi, đặc biệt là mất ngủ triền miên. Tôi đã phải uống cả thuốc ngủ”, chị H.H cho hay.
Vì thế, ngay khi test nhanh 1 vạch chị đến viện kiểm tra hậu Covid-19. Câu hỏi chị canh cánh “liệu tôi có còn tiếp tục mắc Covid-19” nữa hay không?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết về cơ bản, những người đã tiêm vắc xin cũng như những người đã mắc Covid-19 thì cơ thể tạo ra kháng thể trong 3-6 tháng.
“Do đó, những người đã nhiễm, trong vòng 3 tháng vẫn có thể bị nhiễm nhưng rất nhẹ, hoặc không có triệu chứng. Theo đó, những trường hợp nhiễm có thể xảy ra ở những người có sức đề kháng kém, không tạo được miễn dịch. Vì thế, nếu đã bị nhiễm Covid-19, người dân vẫn phải tuyệt đối thực hiện 5K, theo dõi sức khỏe, không được chủ quan”, PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho hay.
Trên thực tế qua thăm khám, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số những bệnh nhân ông từng điều trị, có trường hợp tái nhiễm Covid-19 sớm nhất 3 tuần.
Có nhiều người nhiễm lần 2, thậm chí cũng có số ít người nhiễm lần 3, mỗi lần một biến chủng khác nhau ví dụ như Alpha, Delta và Omicron.
Lý giải vì sao các lần tái nhiễm sau nặng/nhẹ hơn lần trước, BS Phúc cho rằng, có thể là do mỗi lần mắc một biến chủng khác nên có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Ví như nhẹ nhất là Alpha, sau là Omicron, cuối cùng triệu chứng nặng nhất là chủng Delta. “Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học hay thống kê cụ thể về việc người tái nhiễm có triệu chứng nặng hay nhẹ hơn so với lần đầu”, BS Văn Phúc nhấn mạnh.
Các chuyên gia lưu ý, miễn dịch SARS-CoV-2 không bền vững, kể cả mắc hay miễn dịch do tiêm vắc xin. Một người có thể tái nhiễm nhiều lần do nhiễm các biến thể khác nhau của virus.
Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể để giúp bạn chống lại bệnh. Chúng được tạo ra sau khi bạn đã bị mắc bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin. Các kháng thể có thể bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh trong một thời gian sau đó.
Tương tự với Covid-19, sau khi mắc và khỏi bệnh, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể với virus. Theo các bác sĩ, bản thân miễn dịch SARS-CoV-2 không bền vững, kể cả mắc hay miễn dịch do tiêm vắc xin. Vì thế, khả năng bảo vệ lâu dài không có.
Bổ sung thêm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết khả năng tái nhiễm là hoàn toàn có thể, tuy nhiên, thời gian bao lâu tùy thuộc vào từng cá nhân, chủng virus, nếu nhiễm biến chủng khác thì nhanh hơn. Cũng vì thế, dù đã mắc Covid-19 người dân vẫn không nên chủ quan, vẫn cần tuyệt đối tuân thủ 5K, đặc biệt là khẩu trang.
Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu về việc tái nhiễm, tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 lần thứ 2, thậm chí thứ 3.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang giao cho Cục Y tế Dự phòng cùng với các viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành nghiên cứu đánh giá về việc mắc Covid-19 sau tiêm vắc xin cũng như việc tái nhiễm, những người đã nhiễm lần một vẫn nhiễm lần 2. Việc này phải một thời gian nữa mới có kết quả.
Các báo cáo theo dõi số ca mắc Covid-19 và cúm hằng tuần mới nhất của UKHSA cũng ghi nhận 715.154 ca tái nhiễm. Những người đã tái nhiễm nhiều lần có thể đã nhiễm các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, ngay cả khi virus ngừng biến đổi ngay bây giờ, khả năng miễn dịch đối với các bệnh lây nhiễm qua đường mũi và họng cũng không tồn tại lâu dài. Vì thế, nhiều người có khả năng tái nhiễm theo chu kỳ 2 năm một lần hoặc lâu hơn.
N. Huyền