4 người ở Quảng Ninh phải đi cấp cứu sau bữa tối do loại củ giống củ từ
Trồng được 2 năm, thấy giống củ từ nên nghĩ là ăn được, đem ra nấu ăn tối, cả gia đình 4 người thấy choáng, buồn nôn, mệt mỏi, tê đầu lưỡi phải đi cấp cứu.
Gia đình 4 người đang phải cấp cứu do ngộ độc củ nần |
Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa cấp cứu cho bốn người trong một gia đình bị ngộ độc củ nần.
Bệnh nhân L.N. V. (51 tuổi), H. T. H (42 tuổi), L. B. L (17 tuổi), L. H. T (20 tuổi) trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, nôn ra dịch thức ăn, tê đầu lưỡi, mệt mỏi.
Trước đó, gia đình 4 người đã ăn bữa tối có món ăn chế biến từ củ nần mà không biết rõ nguồn gốc của loại củ này.
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã xử trí cấp cứu bù dịch, thải độc. Sau 24 giờ, tình trạng sức khỏe của bốn bệnh nhân đều ổn định và được xuất viện.
“Sau khi trồng loại củ này được 2 năm, tôi thấy nó giống củ từ nên nghĩ là ăn được, đem ra nấu ăn tối. Vị của nó như khoai nấu. Sau khi ăn xong bữa thì bản thân tôi cảm thấy choáng, buồn nôn, mệt mỏi, tê đầu lưỡi. Chồng và các con tôi cũng có biểu hiện như vậy.
Lo lắng nên tôi lập tức gọi người thân đến chở cả nhà đi bệnh viện. Sau khi được các bác sĩ chữa trị và giải thích, tôi mới biết củ này là củ nần, có thể gây ngộ độc" – Bệnh nhân H.T. H (42 tuổi) chia sẻ.
Củ nần, còn được gọi là củ nê, củ nằng, củ nâu trắng, có tên khoa học là Dioscorea hispida Dennst, thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Trong củ và lá cây củ nần có các alcaloid độc là dioscorin và dioscorein. Dioscorin là một chất độc mạnh, gây co giật và làm tê liệt trung khu thần kinh, với 10 mg có thể giết chết một con ngựa, một lát cắt to bằng quả Táo tây đủ để làm chết một người lớn trong vòng 6 giờ. Còn dioscorecin là một chất bay hơi, ít độc hơn.
Bác sĩ Lê Tiến Dũng – Khoa Hồi sức Tịch cực & Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Thực tế đã có những trường hợp người dân đã bị ngộ độc loại củ này. Biểu hiện ngộ độc củ nần bắt đầu với cảm giác ngứa trong cổ họng kèm theo nóng rát, chảy nước rãi rồi xuất hiện choáng váng, buồn ngủ, nôn ra máu, khó thở..., trường hợp nặng có thể dẫn tới hôn mê và tử vong.
Rất may mắn vì bốn bệnh nhân đều ăn với số lượng ít, đến viện cấp cứu kịp thời nên sức khỏe ổn định nhanh chóng, không xảy ra hậu quả đáng tiếc”
Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân không nên ăn các loại củ, quả không rõ nguồn gốc.
Nếu sau ăn có biểu hiện triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn ói, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, khó thở… cần được chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị thải độc kịp thời.
Theo kinh nghiệm dân gian, khi không may bị ngộ độc củ nần cần dùng gừng tươi 60g ép lấy nước, dấm ăn 60ml, cam thảo 10g, nước sạch nửa bát, tất cả đem sắc cô còn nửa bát, trước ngậm sau uống.
Củ nần - loại củ giống củ từ khiến nhiều gia đình bị ngộ độc |
Đáng lưu ý người ta rất dễ nhầm lẫn giữa củ nần với củ nâu (Dioscorea cirrhosa Lour), hai loại đều cùng một họ nhưng củ nâu ngoài công dụng để nhuộm vải và làm thuốc còn có thể dùng để ăn với điều kiện là phải gọt bỏ vỏ ngoài, ngâm nhiều nước và thay nước nhiều lần cho hết hoặc giảm chất chát rồi luộc ăn.
N. Huyền