4 cách phòng, chữa sâu răng sữa trẻ em mà cha mẹ cần biết sớm nhất có thể
Theo điều tra số liệu, tỷ lệ sâu răng của trẻ 5 tuổi là khoảng hơn 70% và con số này vẫn đang tăng lên. Trong khi đó, nhiều cha mẹ nghĩ rằng sau này bé sẽ thay răng nên ít quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, cha mẹ không biết rằng, răng sữa không giống như các bộ phận trên máy móc khi hỏng chỉ cần thay một cái là được, mà chất lượng răng sữa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ trong suốt cuộc đời.
Hầu hết trẻ sẽ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên khi được khoảng 6 tháng tuổi, và răng sữa sẽ tồn tại khoảng 6-10 năm. Nếu răng sữa gặp vấn đề như bị sâu, không chỉ ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn mà còn ảnh hưởng đến chế khả năng ăn uống của trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến hình dáng và sự phát triển khuôn mặt của bé trong những trường hợp răng sữa gặp vấn đề nghiêm trọng.
Vì vậy, cha mẹ hãy bảo vệ răng sữa của con bằng các “bí kíp” dưới đây nhé:
1. Tạo thói quen đánh răng cho trẻ
Trước khi trẻ mọc răng, bạn có thể là sạch răng cho con bằng cách sử dụng miếng gạc để lau nướu cho trẻ. Khi những chiếc răng đầu tiên của trẻ mọc lên, cha mẹ có thể mua cho trẻ bàn chải đánh răng dành cho trẻ em hoặc bàn chải đánh răng gắn ở đầu ngón tay, đồng thời sử dụng kem đánh răng có chứa fluor để đánh răng cho trẻ.
Nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám răng toàn diện trước 1 tuổi và lập “hồ sơ răng miệng” cho con, duy trì khám 1-2 lần/năm, trao đổi kịp thời với bác sĩ nếu con có dấu hiệu sâu răng.
2. Bôi fluor vào răng của trẻ
Bôi fluor giống như việc bôi một lớp sơn bảo vệ bên ngoài răng của trẻ, lớp sơn này có thể chống lại sự ăn mòn của vi khuẩn. Và bôi fluor cũng giống như đánh răng, sẽ không đau, không làm bé khó chịu. Fluor sẽ giúp giảm tình trạng sâu răng ở trẻ.
Đối với việc bôi fluor, tuy không có yêu cầu rõ ràng về độ tuổi nhưng khi trẻ còn quá nhỏ sẽ khó có thể hợp tác tốt trong việc này. Vì vậy độ tuổi lý tưởng để bôi fluor là trên 2 tuổi. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự bôi fluor cho bé tại nhà mà hãy nhờ sự trợ giúp của bác sĩ nha khoa.
Về các loại thuốc bôi fluor cho bé, nên dùng thuốc fluor an toàn ngay cả khi bé nuốt vào. Chủ yếu bôi lên bề mặt răng của trẻ, không ăn uống trong vòng 5 phút sau khi bôi.
3. Hàn khe hở và lỗ sâu răng của trẻ
Ngoài lớp phủ fluor, hàn kín lỗ sâu răng và khe hở ở răng của trẻ là biện pháp chống sâu răng hoặc ngăn ngừa tình trạng sâu trở nên nặng hơn. Mục đích của việc này là ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào các lỗ và vết nứt.
4. Dùng chỉ nha khoa cho trẻ
Nhiều người lớn nghĩ rằng trẻ nhỏ không thể dùng chỉ nha khoa, thực tế là bé thực sự có thể dùng chỉ nha khoa. Đánh răng chỉ có thể loại bỏ các mảng bám trên bề mặt răng của trẻ, còn cặn thức ăn giữa các kẽ răng thì sử dụng bàn chải cũng không làm sạch được, lúc này cần phải sử dụng chỉ nha khoa.
Nên sử dụng que chỉ nha khoa cho bé sẽ thuận tiện hơn khi thao tác. Tuy nhiên, khi chọn que chỉ nha khoa cần lưu ý những điểm sau: Nên chọn loại nhẵn, có bề ngang hẹp, chất liệu mềm dẻo, đàn hồi tốt, không dễ gãy.
Cả người lớn và trẻ em, nên sử dụng chỉ nha khoa ngày 1 lần trước khi đi ngủ, có tác dụng làm sạch kẽ răng và ngăn ngừa sâu răng rất hiệu quả.
Vì sức khỏe răng miệng của trẻ, hãy nhớ đánh răng hằng ngày cho trẻ, dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng trước khi đi ngủ vào buổi tối, bôi fluor, hàn kín lỗ và khe nứt, đồng thời phải kiểm tra răng thường xuyên cho trẻ.
Hạ Thảo (theo Gazeta)