3 chàng sinh viên ẵm chuyến đi Thụy Điển nhờ viết phần mềm phát hiện rò rỉ nước
Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander (giữa) cùng 3 sinh viên đạt giải nhất |
Đây là ý tưởng giành được giải nhất từ cuộc thi “Sáng tạo thông minh về Nước năm 2016” do Đại sứ quán Thụy Điển tại VN phối hợp với Tổng Cục Tài nguyên nước, Bộ TN & MT tổ chức. Ngày 5/6, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, ĐSQ Thụy Điển tại VN tổ chức lễ công bố kết quả cuộc thi này.
Theo BTC, cuộc thi được triển khai từ đầu năm, thu hút sự quan tâm sâu sắc của các bạn trẻ VN trên toàn quốc. Đây là hoạt động nhằm tìm kiếm các giải pháp giải quyết những thách thức mà VN đang phải đối mặt hiện nay trong lĩnh vực nước và trong tương lai.
Vượt qua hàng ngàn "đối thủ" trong cả nước, 3 chàng sinh viên Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long đến từ trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã là người chiến thắng. Ý tưởng của nhóm là sử dụng ứng dụng của điện thoại di động để phát hiện rò rỉ trên hệ hống cấp nước.
Không giấu nổi niềm vui sướng khi được ra Hà Nội nhận giải thưởng là một chuyến đi Thụy Điển và tham dự chương trình Tuần lễ nước Thế giới tổ chức hàng năm tại thủ đô Stockholm từ ngày 27/8- 2/9 tới đây, Nguyễn Trần Quang Khải (trưởng nhóm) cho biết: Em cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi nhận được giải thưởng này.
“Tụi em chơi chung với nhau từ những năm đầu tiên bước chân vào trường đại học. Trước khi tham dự cuộc thi này, nhóm em cũng đã viết phần mềm Android cho điện thoại smarphone. Chính vì thế, khi nhận được thông báo của nhà trường về cuộc thi, bọn em đã nghĩ ngay đến việc xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động để phát hiện rò rỉ hệ thống cấp nước.
Theo đó, khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ nước trong quá trình sử dụng, người sử dụng có thể mở ứng dụng có sự hỗ trợ của định vị GPS báo cho ban quản lý tòa nhà biết vị trí của mình để kịp thời sửa chữa đường ống. Ứng dụng này vô cùng đơn giản mà không mất quá nhiều chi phí. Nếu được áp dụng và triển khai rộng rãi, sáng kiến này sẽ góp phần hạn chế lượng nước bị rò rỉ trong quá trình phân phối nước. Độ chính xác của ứng dụng này sẽ càng cao khi có nhiều người sử dụng ứng dụng’ – Nguyễn Trần Quang Khải nói.
TS Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục tài nguyên nước, Bộ TN & MT đánh giá cao những ý tưởng tham dự cuộc thi, ông cho biết: “Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của các trường đại học trên toàn quốc và không chỉ bó hẹp tại các trường có đào tạo chuyên sâu về ngành nước mà còn mở rộng tại các trường khoa học, công nghệ khác như ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa, ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Đề xuất của các đội gửi về cho thấy tư duy phát triển công nghệ gắn liền với cuộc sống. Tôi tin tưởng rằng các đề xuất về lọc nước nhiễm mặn tại ĐBSCL, lọc và chứa nước bằng vật liệu làm từ xương rồng, giải pháp thiết kế hệ thống thu gom và tái sử dụng nước cũng như các ứng dụng di động giúp cảnh báo rò rỉ nước là những đề xuất có tính ứng dụng cao và hoàn toàn có thể áp dụng ngay sau khi cuộc thi kết thúc, góp phần giải bài toán trữ và cung cấp nước sạch cho người dân VN ở thành thị cũng như ở nông thôn”.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cho biết: Chúng tôi ghi nhận những cam kết của Việt Nam qua COP21 và Chương trình nghị sự 2030, và chúng tôi sẽ luôn luôn sẵn sàng trao đổi những ý tưởng, giải pháp mới với VN trong lĩnh vực mà chúng tôi hiện đang đi đầu là đổi mới sáng tạo. Theo đó, cuộc thi sáng tạo nước thông minh đã được một cách tiếp cận như vậy.
“Chúng tôi hy vọng đội chiến thắng sẽ học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức mới từ Tuần lễ Nước Thế giới tại Stockholm và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong tương lai cho một thế giới bền vững hơn”, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander nói.
Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cũng nhấn mạnh rằng: Không một quốc gia hay xã hội nào có thể tránh khỏi những tác động của lĩnh vực nước và nước đã trở thành một trong những nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm trên thế giới.
Các quốc gia và dân tộc có thể khác nhau, nhưng cùng có một điểm chung: Chúng ta không thể sống, tồn tại mà không có nước. Chúng ta cần phải sử dụng tất cả các công cụ có sẵn như: thương mại đầu tư, trao đổi ý tưởng và kiến thức, chuyển giao công nghệ, hợp tác giữa các học giả, các bạn trẻ, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách giữa Thụy Điển, VN và với cộng đồng quốc tế để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất.