17 tuổi đã đứng lớp, dạy “gà nòi”
9X đứng lớp đội tuyển
Chia sẻ ngày đầu tiên đứng bục giảng với vai trò thầy giáo, Kiên tâm sự: “Em không run hay hồi hộp mà ngược lại cảm thấy tự tin, thoải mái". |
Nguyễn Tiến Trung Kiên (SN 1997, Hoài Đức, TP Hà Nội) đang học lớp 12 chuyên Tin, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ tháng 4/2014 với sự tin tưởng của thầy giáo Hồ Đắc Phương (phụ trách Đội tuyển Tin học quốc gia của trường), Kiên được giao nhiệm vụ đứng lớp dạy đội tuyển 1 tuần 1 lần.
Kiên kể, khi biết mình được chọn làm người đứng lớp, cậu rất vui vì đây là cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho đàn em. Đội tuyển mà cậu dạy gồm 13 học sinh trong đó 4 bạn lớp 12 Tin, 8 em lớp 11 Tin và 1 em đang học lớp 10 Tin.
Việc một học sinh lớp 12 đứng lớp đội tuyển học sinh giỏi của cả trường chuyên tưởng chừng như vô lý nhưng đối với thầy Hồ Đắc Phương thì đó là thử thách giúp chính bản thân học sinh “học và truyền kiến thức hiệu quả hơn”.
“Đây là truyền thống của đội tuyển Tin của trường nhiều năm nay. Ý tưởng này giúp chúng em có thể thử sức khả năng trở thành người truyền tải kiến thức để đội tuyển tiến bộ hơn”, Kiên nói.
Mỗi buổi đứng lớp dạy 3 tiếng từ 8h đến 11h sáng, Kiên nhận được “thù lao” 300 nghìn đồng. Để chuẩn bị cho tiết dạy đặc biệt này, cậu phải chuẩn bị giáo án gồm chủ đề kiến thức và phần bài tập thực hành từ hôm trước.
Chia sẻ ngày đầu tiên đứng bục giảng với vai trò thầy giáo, Kiên tâm sự: “Em không run hay hồi hộp mà ngược lại cảm thấy tự tin, thoải mái. Chỉ có điều em luôn trăn trở làm sao truyền đạt được nội dung xuyên suốt theo chủ đề một cách trọn vẹn, dễ hiểu nhất để sau buổi học cả lớp hài lòng về tiết học hôm đó”, Kiên nói.
Trong lớp đội tuyển, các em lớp 10, 11 gọi Kiên bằng “anh” thân thiện, gần gũi nhưng đối với thầy giáo 17 tuổi này thì “học ra học, chơi ra chơi”. Bởi khi đứng trên bục giảng, Kiên luôn tâm niệm phải “tập trung, toàn tâm toàn ý vào việc dạy, hoàn thành trách nhiệm mà thầy Phương giao cho tốt nhất”. Vừa qua, Kiên giành Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế tổ chức tại Đài Loan (Trung Quốc). Sự kiện này khiến cả làng cậu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) xôn xao, tự hào với thành tích giỏi giang của thế hệ cháu con sau này.
Sinh ra trong gia đình có bố làm ở hợp tác xã, mẹ bán hàng ở chợ quê (xã Dương Liễu), cuộc sống khó khăn nên Kiên luôn ấp ủ ước mơ giành học bổng của trường ĐH MIT (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ).
Tác giả của phần mềm “chống gian lận”
Năm 2000 bố Kiên “sắm” chiếc máy tính cũ với màn hình dày cộp để phục vụ cho công việc làm kế toán của hợp tác xã. Khi đó, Kiên mới chỉ 3 tuổi nhưng chiếc máy tính cũ khiến cậu tò mò, thích thú nghịch ngợm.
Đến năm lớp 4, bố thấy Kiên có năng khiếu và sở thích với máy tính nên mua tặng cậu cuốn sách lập trình Pascal để đọc. Mày mò đọc sách tìm hiểu, Kiên thực hành trên máy những phép tính cộng trừ đơn giản. Càng tìm hiểu càng mê, cậu khám phá nhiều thứ trong sách. Đến năm lớp 7, Kiên tự lập trình ra phần mềm trò chơi xếp hình và lớp 8 đã lập trình được phần mềm “game hứng trứng” được bạn bè trên diễn đàn trên mạng đánh giá cao.
“Phần mềm viết ra thất bại nhiều lắm nhưng mỗi lần tạo ra một sản phẩm, cảm giác sung sướng lắm. Lên ý tưởng, viết mã và sửa code… ban đầu mất khoảng 1 tuần cho mỗi phần mềm, nhưng sau này chỉ mất vài tiếng”, Kiên nói.
Đặc biệt, Kiên nhớ như in năm lớp 10 chàng trai 9X này tạo ra chương trình chống gian lận trong làm bài tập tin (chống chép code). Phần mềm này có thể phát hiện ra các cặp bài tương đối giống nhau và đang được các thầy giáo trong trường dùng để phục vụ cho việc chấm điểm gần hai năm nay.
Kiên nói, mỗi phần mềm mình làm ra đầu tiên xuất phát từ niềm vui, cần thiết trong chính cuộc sống của cậu. Đề cập đến vấn đề bản quyền và bán phần mềm mà mình viết ra, Kiên nói: “Khi em tạo ra một phần mềm thực sự tốt, có nhiều người dùng thì lúc đó em mới nghĩ đến việc thương mại hóa sản phẩm”.
Với ước mơ trở thành kỹ sư phần mềm và ấp ủ dự định mở một công ty chế tạo phần mềm có ích trong cuộc sống. Hiện nay, “Kiên còi” (biệt danh của cậu) sở hữu một blog có tên KC97BLE - được ví như “trang từ điển mở wikipedia” cung cấp kiến thức, kinh nghiệm về tin học, thuật toán…
Mỗi ngày dành 10 - 12 tiếng với chiếc máy tính, đam mê của Kiên với thuật toán, phần mềm dường như ngấm vào máu và ngày ngày nở hoa…
- Gặt hái nhiều giải thưởng cao về Tin học: Giải nhất Tin học trẻ quốc gia (2011) khi đang học lớp 8; Giải khuyến khích Tin học trẻ quốc gia bảng D, phần mềm sáng tạo (2013). Tháng 7-2014, Kiên đoạt giải nhì Olympic Tin học quốc gia, Huy chương Vàng kỳ thi học sinh giỏi các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc bộ.
- Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế (IOI).
Kim Ngân/Nguồn An Ninh Thủ Đô