12 quy tắc không thể quên khi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non
Các quy tắc này đều nhằm mục tiêu tạo ra một môi trường học tiếng Anh vui nhộn và luôn luôn hoạt động cho trẻ.
1. Tạo môi tường nói tiếng Anh tự nhiên: Chúng ta không thể biến môi trường tiếng mẹ đẻ thành môi trường nói tiếng Anh nên đây là một thách thức. Các phụ huynh cố gắng tạo dựng môi trường tiếng Anh tự nhiên cho trẻ bằng nhiều cách như học với người bản ngữ, tăng cường giao tiếp với trẻ bằng tiếng Anh hoặc cho trẻ tiếp xúc với người bản ngữ.
Ông Hùng cho rằng hình thức dạy cho trẻ phải linh hoạt, đa dạng. (Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN) |
2. Liên tục thay đổi: Trẻ không có khả năng tập trung lâu, chỉ trong khoảng 3 đến 5 phút là tối đa. Vì vậy, cùng một nội dung nhưng phải tìm ra nhiều loại hình hoạt động, tạo ra một không khí luôn luôn khác nhau để thu hút trẻ. Chẳng hạn dạy về số 5 thì có thể cho trẻ đếm từ một đến 5, cho trẻ đếm bạn trong lớp, đếm tranh, đóng vai bạn gấu và tập đếm, bài hát tập đếm...
3. Linh hoạt về tốc độ: Khi xây dựng chương trình và nội dung cho trẻ, điều cần chú ý là nó phải phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ, chú ý lượng từ vựng, mẫu câu thế nào là đủ, chủ đề gì là thích hợp?
4. Độ cuốn chiếu cao độ: Độ cuốn chiếu của ngữ liệu phải rất cao, cao hơn học sinh tiểu học. Độ cuốn chiếu được thể hiện trong từng bài, từng nhóm bài và cả chương trình. Để có thể cuốn chiếu được tối đa thì bộ ngữ liệu phải hết sức nhẹ.
5. Khích lệ và hỗ trợ: Các bài tập cần được thiết kế để người dạy có thể khích lệ trẻ và giúp trẻ vượt qua được.
6. Tránh hình thức ganh đua có thưởng: Trẻ thấy bạn mình được thưởng mà mình không được sẽ sinh ra tủi thân và ghét học.
7. Đưa rối vào lớp học như người bạn: Trẻ rất yêu mến búp bê, rối, các nhân vật phim hoạt hình. Việc đưa rối vào lớp học như người bạn, biết hoan hô cổ vũ khi bạn làm điều hay, biết gật đầu khi đồng tình…sẽ tạo thêm hứng thú cho trẻ.
8. Tận dụng các loại hình trẻ yêu thích: Có thể dạy tiếng Anh cho trẻ thông qua bài hát, trò chơi, tô màu, đọc truyện, thơ… Khi đó, trẻ sẽ học mà như chơi.
9. Tận dụng loại hình kể chuyện: Kể chuyện bằng ngoại ngữ cho trẻ nhỏ rất khó khăn, nó đòi hỏi người thiết kế phải gây được sự tò mò, thích thú của trẻ, nhưng câu chuyện phải được kèm hình ảnh dễ hiểu và ngữ liệu phải nằm trong khuôn khổ và cuối cùng các động tác cơ thể, cử chỉ phải được vận dụng tối đa.
10. Không đặt gánh nặng đọc, viết lên vai trẻ: Trẻ hoàn toàn không biết đọc biết viết bằng tiếng mẹ đẻ cho nên bất cứ loại hình đọc viết nào, dù là tô chữ, cũng là một gánh nặng và chắc chắn không mang lại hiệu quả ngôn ngữ. Hãy cho trẻ hoạt động hoàn toàn bằng truyền khẩu. Để cho lớp học mang không khí thực sự, hãy cho trẻ sử dụng những đồ vật thật.
11. Sử đụng đa dạng các kỹ thuật tiếp cận tiếng cho trẻ: Có thể tạo ra các tình huống để trẻ học cách sử dụng ngôn ngữ như quy trình tiếp thu tiếng mẹ đẻ.
12. Tránh các khái niệm trừu tượng và xa lạ với trẻ: Khi dạy tiếng Anh cho trẻ cần tránh những yếu tố trẻ không tưởng tượng ra được.
Nguồn VN+