1041 sinh viên ĐH Tây Nguyên bị buộc thôi học: Động thái dũng cảm!
“Để nâng cao chất lượng, tránh đào tạo tràn lan những cử nhân không biết làm việc, nhà trường sẵn sàng cho sinh viên thôi học với số lượng lớn. Tôi rất tuyên dương động thái dũng cảm của ban lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên”, thầy Văn Như Cương cho hay.
Mới đây, Đại học Tây Nguyên vừa công bố danh sách dự kiến buộc thôi học và cảnh báo hơn 1.041 sinh viên, trong đó có 414 sinh viên buộc thôi học và 627 sinh viên bị cảnh báo kết quả học tập trong năm 2014-2015 quá thấp.
Khoa Y dược có 20 sinh viên bị buộc thôi học, và 19 sinh viên bị cảnh báo, chủ yếu thuộc chuyên ngành Y đa khoa, Điều dưỡng. Khoa Kinh tế có 123 sinh viên bị buộc thôi học và 180 sinh viên bị cảnh báo. Khoa Sư phạm có 35 sinh viên bị thôi học và 45 sinh viên bị cảnh báo. Khoa Ngoại ngữ có 7 sinh viên bị thôi học và 16 sinh viên bị cảnh báo. Khoa Chăn nuôi thú ý có 17 sinh viên buộc thôi học và 29 sinh viên bị cảnh báo. Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ có 73 sinh viên bị thôi học và 139 sinh viên bị cảnh báo. Khoa Lý luận chính trị, với 11 sinh viên bị thôi học và 16 sinh viên bị cảnh báo
Nhiều nhất là Khoa Nông lâm nghiệp với 128 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học và 183 sinh viên bị cảnh báo.
Theo lãnh đạo nhà trường, các sinh viên nằm trong diện dự kiên buộc thôi học phần lớn là tự ý bỏ học hoặc có điểm trung bình chung học kỳ dưới 1.0 (tính theo thang điểm 4.0). Sau khi cảnh báo quá hai lần, sinh viên không khắc phục được nên nhà trường mới ra quyết định buộc thôi học.
Để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, nhà trường cũng yêu cầu lãnh đạo các khoa làm việc với sinh viên có tên trong danh sách thông qua cố vấn học tập để lấy ý kiến, nguyện vọng và giải pháp khắc phục của sinh viên bằng đơn cá nhân. Sau 10 ngày (tính từ ngày 26/10), nếu không nhận được phản hồi từ khoa thì trường sẽ ra quyết định chính thức.
Được biết, vào học kỳ trước, đã có 363 sinh viên bị buộc thôi học và 817 sinh viên bị cảnh báo.
Liên quan đến vấn đề trên, PV báo Infornet đã có cuộc trò chuyện với thầy Văn Như Cương, chủ tịch HĐQT trường THPT Lương thế Vinh.
Thưa thầy, vừa qua Đại học Tây Nguyên đã đưa ra danh sách 1.041 sinh viên bị cảnh cáo về kết quả học tập quá thấp và buộc thôi học, thầy có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS Văn Như Cương: Theo quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15.8.2007 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, sinh viên có điểm tích lũy quá thấp sẽ bị buộc thôi học.
Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định rồi, những sinh viên không đáp ứng được yêu cầu về điểm số đương nhiên phải thôi học. Tôi rất đồng tình với việc làm này của lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên.
Tôi rất tuyên dương động thái dũng cảm của ban lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên. Nếu với tôn chỉ đào tạo tràn lan, nhà trường có thể chỉ nhắc nhở cảnh cáo hoặc chỉ đuổi học một số lượng ít, còn lại cho các em học tiếp. Sang năm thứ hai có thể ra đề kiểm tra dễ để các em gỡ điểm, rồi tạo điều kiện cho các em đỗ tốt nghiệp, trao bằng cử nhân.
Nếu thế, đào tạo những con người không làm được việc là quá nguy hiểm cho xã hội.
Thế nhưng lãnh đạo Đại học Tây Nguyên đã không làm thế, để nâng cao chất lượng, tránh đào tạo tràn lan những cử nhân không biết làm việc nhà trường sẵn sàng cho sinh viên thôi học với số lượng lớn. Tôi rất hoan nghênh hành động này của nhà trường.
Thưa thầy, với con số hơn 1.000 sinh viên có nguy cơ bị buộc thôi học, trách nhiệm có thuộc về phía nhà trường?
Chúng ta cũng phải xem lại cách dạy học và cách quản lí học sinh, giảng viên hướng dẫn thế nào mà tới lúc kiểm tra các em không làm được bài để hơn 1.000 sinh viên có mức điểm tích lũy quá thấp (dưới 1,0 trên thang điểm 4,0).
Cách quản lí, đánh giá kết quả sinh viên đã hợp lí chưa? Trước khi dẫn đến sự việc đáng tiếc là hơn 1.000 sinh viên có nguy cơ bị đuổi học, liệu trước đó nhà trường đã đưa ra cảnh báo trước với các em hay các hình thức động viên để các em chăm học hơn chưa, đó cũng là điều cần phải bàn. Như vậy, nhà trường cũng cần phải xem lại trách nhiệm của mình về vấn đề giảng dạy cũng như quản lí học sinh, sinh viên của mình.
Tuy nhiên, để bước ra cánh cổng trường đại học trở thành một người thực sự có năng lực, có ích cho xã hội mỗi sinh viên phải biết tự cố gắng, nỗ lực, rèn luyện trong quá trình học tập thay vì phân tán thời gian vào các trò chơi điện tử, facebook...
Thưa thầy, trong 1.000 sinh viên có điểm số tích lũy quá thấp và ý thức học quá kém như vậy lại có sinh viên thuộc khoa sư phạm. Tức là khi tốt nghiệp ra trường các em sẽ trở thành các thầy giáo, cô giáo. Điều này ảnh hưởng thế nào tới nền giáo dục của Việt Nam trong tương lai?
Nếu những sinh viên ý thức kém như vậy lại là đội ngũ giáo viên trong tương lai thì rất nguy hiểm cho nền giáo dục Việt Nam. Chúng ta phải kiên quyết loại bỏ những sinh viên khi ngồi trên ghế giảng đường chỉ có tư tưởng ăn chơi, hưởng thụ. Giáo dục muốn phát triển thì đội ngũ giáo viên tương lai phải có ý thức kỉ luật tốt, phải chăm chỉ, rèn luyện về kiến thức cũng như nghiệp vụ thì sau này mới mong đào tạo ra những nhân tài cho đất nước.
Còn nếu, đội ngũ sinh viên sư phạm chỉ quen ăn chơi, hưởng thụ thì sẽ khiến không chỉ ngành giáo dục mà tương lai của đất nước cũng tụt hậu theo.
Bên cạnh đó, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc các trường đưa ra lời cảnh báo và buộc thôi học sinh viên ý thức và học lực kém, không riêng gì Đại học Tây Nguyên mà có rất nhiều trường khác cũng làm như vậy. Đây cũng là lời cảnh báo chung cho cả nền giáo dục nước nhà.
Chúng ta, những người làm công tác giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân vì sao lại có số lượng sinh viên lớn như vậy rơi vào tình trạng ý thức kém và điểm tích lũy quá thấp tới mức buộc thôi học để có những giải pháp kịp thời chấn chỉnh”.
Trước đó, theo quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15.8.2007 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (thường được gọi là Quy chế 43): “Sau mỗi học kỳ, sinh viên bị buộc thôi học nếu rơi vào một trong các trường hợp:
a, Có điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học; đạt dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo hoặc đạt dưới 1,10 đối với 2 học kỳ liên tiếp.
b, Có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất; dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai; dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khóa”.