100% ngân hàng đã cài đặt hệ thống báo cáo tự động về phòng, chống rửa tiền
Hiện 100% các NHTM đã cài đặt hệ thống báo cáo tự động. Báo cáo giao dịch tiền mặt không phải là báo cáo giao dịch liên quan đến rửa tiền, mà chỉ là tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, nên thu thập để phân tích, trên cơ sở phân tích đó, để xem có trường hợp nào rửa tiền.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã ban hành các quy định riêng liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ nhằm nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ trong công tác này.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng về phòng, chống rửa tiền, các hoạt động rửa tiền ngày càng mở rộng về quy mô và độ tinh vi. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đã có rất nhiều trường hợp nghi ngờ rửa tiền. Chính vì vậy, mỗi ngân hàng phải triển khai một cách đồng bộ các biện pháp thể chế, nghiệp vụ trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bên hữu quan mới có thể phòng, chống rửa tiền hiệu quả.
Hiện 100% các NHTM đã cài đặt hệ thống báo cáo tự động (Ảnh minh họa) |
Có thể nói, các trước trên thế giới bắt đầu hợp tác phòng chống rửa tiền từ năm 1989, khi cho ra đời cơ quan chuyên trách là Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (viết tắt là FATF). Hơn nữa, các chuẩn mực về phòng chống rửa tiền đã được ngân hàng thế giới (WB) và FATF khuyến nghị nhằm hướng đến việc "tiêm vắc xin" phòng ngừa là chính chứ không đi tìm bệnh để diệt.
Còn ở Việt Nam, ngày 17/11/2009 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22 hướng dẫn các tổ chức tín dụng Nhà nước, tín dụng cổ phần, tín dụng hợp tác, tín dụng liên doanh, tín dụng 100% vốn nước ngoài… thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam trong các giao dịch tiền tệ hay tài sản khác.
Theo quy định của Thông tư 22, các tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền với nội dung phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức rủi ro về rửa tiền trong các hoạt động. Như: các chính sách chấp nhận khách hàng; Quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; Quy định về những giao dịch phải báo cáo; Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; Quy định về lưu giữ và bảo mật thông tin; Quy định về sự hợp tác với các cơ quan thi hành pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền và trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Ngoài ra, mỗi tổ chức báo cáo phải bố trí một thành viên là người phụ trách phòng, chống rửa tiền.
Tại Việt Nam, ngoài một số hiện tượng rửa tiền từng bị phát hiện như làm thẻ visa ở Việt Nam để rút tiền từ nước ngoài, hoặc làm hồ sơ xuất cảnh sang Campuchia, người ở Việt Nam rót tiền vào tài khoản để cho người đang ở Campuchia rút ra mua vàng và nhập lậu về Việt Nam... đến nay vẫn chưa phát hiện ra vụ việc nào liên quan đến hoạt động rửa tiền.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm trong lộ trình hội nhập hệ thống ngân hàng quốc tế, do vậy, hoạt động phòng, chống rửa tiền là một trong những nhiệm vụ được đưa lên hàng đầu.