100% địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng xã hội học tập
Xây dựng xã hội học tập đang là xu thế tất yếu, được coi là mục tiêu phát triển giáo dục của nhiều quốc gia nhằm nâng cao nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự gắn kết xã hội, duy trì và cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.
Thực hiện đề án về xây dựng xã hội học tập (XHHT), thời gian qua Bộ GD&ĐT cũng như các tỉnh thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT cấp tỉnh, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, 100% các tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 89 và tổ chức thực hiện.
Các sở GD%ĐT đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch, các văn bản hướng dẫn phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án 89 về xây dựng xã hội học tập.
Theo đó, ký kết các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh định kỳ hằng tuần, tháng phát sóng các tin, bài, phóng sự về xây dựng XHHT, phong trào khuyến học, khuyến tài ở các địa phương, đơn vị, cơ quan.
Các địa phương đã quan tâm củng cố, phát triển hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục thực hiện việc học tập suốt đời cho mọi người, trong đó nòng cốt là các cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động. Số lượng các cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là các trung tâm tin học, ngoại ngữ đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá.
Các cơ sở giáo dục đại học đã quan tâm phát triển công nghệ đào tạo qua mạng, đầu tư hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập và phòng studio để xây dựng học liệu số; thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị những kỹ năng cần thiết để triển khai đào tạo qua mạng cho cán bộ quản lý, giảng viên; liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh để mở các chương trình đào tạo từ xa cấp chứng chỉ, chương trình phổ biến kiến thức góp phần đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng.
Ảnh minh họa |
Cùng với đó là các tỉnh phối hợp với các Báo địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời (HTSĐ), xây dựng XHHT; biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào khuyến học, khuyến tài.
Đồng thời, tổ chức tập huấn cho giáo viên tham gia công tác XMC; triển khai nhân rộng mô hình xóa mù chữ (XMC) gắn với phát triển cộng đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tổ chức các lớp về giáo dục pháp luật, sức khỏe, bảo vệ môi trường, phổ biến khoa học kỹ thuật về chăn nuôi trồng trọt, hướng dẫn làm kinh tế gia đình.
Phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan biên soạn các tài liệu đặc thù riêng của địa phương về chính trị, pháp luật, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để triển khai tại các trung tâm GDTX, TTHTCĐ.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường phối hợp với Hội Khuyến học cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ban ngành, đoàn thể và địa phương triển khai đánh giá, công nhận/xếp loại các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thì nhiều Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn thành phố để đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO để trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm về HTSĐ và xây dựng XHHT với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới. Hằng năm, tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai Đề án của các huyện.
Các tổ chức, đoàn thể như: Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…cũng phát huy tích cực vai trò liên kết, phối hợp các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia vào các hoạt động xây dựng XHHT tại các địa phương, đơn vị[1].
Nhằm thúc đẩy công tác xây dựng XHHT ngày càng phát triển, từ năm 2014 đến nay, nhiều tỉnh đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho việc thực hiện các hoạt động của Đề án 89, đồng thời vận động, thu hút nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, cộng đồng, đoàn thể chăm lo, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và khen thưởng học sinh đạt thành tích khá - giỏi trong học tập.
Bên cạnh đó, còn thực hiện lồng ghép vào các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 với các mục tiêu của các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,… từ đó cũng tranh thủ được các nguồn vốn để hỗ trợ cho công tác xây dựng XHHT tại các địa phương.
Hoàng Thanh