10 triệu đồng vé máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM: Đi kiểu gì đỡ xót ví?
Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chặng bay căng thẳng nhất là từ Hà Nội vào TP.HCM. Ghi nhận của PV. VietNamNet đầu giờ chiều 30/1, trên hệ thống bán vé của Vietnam Airlines ngày 31/1 và 1/2, với gần 30 chuyến chặng Hà Nội - TP.HCM chỉ còn duy nhất vé hạng thương gia, giá lên tới gần 10 triệu đồng/vé (9,974 triệu đồng). Tới ngày 2/2, giá vé rẻ nhất là 3,581 triệu đồng.
Tại Bamboo Airways, giá vé đường bay trục cũng lên tới 9,156-9,818 triệu đồng/vé (ngày 1/2), sau đó giảm còn một nửa, chỉ 4,588 triệu đồng (ngày 2/2). Tuy nhiên, lượng vé giá này còn rất ít, nếu không nhanh tay đặt sẽ hết ngay, chỉ còn vé 7,3 triệu đồng.
Cũng chặng bay Hà Nội - TP.HCM những ngày sau Tết, giá vé có thấp hơn tại hãng hàng không Vietjet Air nhưng vẫn rất đắt đỏ. Cụ thể, ngày 1/2 ghi nhận giá vé máy bay thấp nhất là 5,735 triệu đồng/chặng bay đêm, còn lại cũng lên tới 7,165 triệu đồng.
Ngày 2/2, giá vé giảm dần, chỉ còn 4,5 triệu đồng. Lượng vé tầm giá này còn tương đối nhiều nếu khách hàng chấp nhận bay tối, từ sau 20h.
Không chỉ chặng bay trục Hà Nội - TP.HCM, các đường bay từ một số tỉnh miền Trung vào Nam đưa mọi người trở lại làm việc cũng vô cùng căng thẳng.
Chẳng hạn, chặng Đà Nẵng - TP.HCM ngày 1-2/2, giá vé Vietnam Airlines lên tới 5,2 triệu đồng/vé, từ 3/2 giá vé mới trở lại bình thường. Vietjet Air hết nhẵn vé đến ngày 3/2. Bamboo Airways ngày 2/2 còn vé, nhưng giá cũng lên tới 5 triệu đồng.
Hay chặng Huế - TP.HCM hết sạch vé từ nay đến ngày 1/2, ngày 2/2 còn nhưng giá vé lên tới 4,859 triệu đồng/chặng (Vietnam Airlines).
Chặng Thanh Hóa - TP.HCM cũng “cháy vé” đến hết ngày 2/2, sang ngày 3/2 mới có nhưng giá cũng lên tới gần 5 triệu đồng/vé (Vietnam Airlines). Vietjet Air, Bamboo Airways hết sạch vé chặng này đến ngày 3/2. Tương tự như vậy với chặng bay Vinh - TP.HCM, giá vé ngày 2/2 lên tới hơn 6 triệu đồng (Vietnam Airlines).
Theo ghi nhận chung, giá vé máy bay từ miền Bắc, miền Trung vào TP.HCM đặc biệt khan hiếm, đắt đỏ từ mùng 5 đến mùng 10 Tết, đặc biệt là ngày mùng 8 Tết (tức Chủ nhật). Phải qua mùng 10 âm lịch, giá vé mới dần hạ nhiệt và qua Rằm tháng Giêng, tức từ ngày 7/2 (16/1 âm lịch), giá vé mới trở lại bình thường.
Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, thời gian cao điểm người dân miền Bắc, miền Trung trở lại TP.HCM làm việc, các hãng hàng không liên tục phải thực hiện các chuyến bay rỗng (bay lệch tải) để đón hành khách vào phía Nam. Tổng cộng, từ ngày 26-30/1, đã có 399 chuyến bay rỗng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, chủ yếu là tàu bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Vì phải gánh bớt chi phí cho các chuyến bay rỗng này nên giá vé không thể rẻ như mong đợi của người dân.
Do đó, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nếu sát ngày bay mới mua vé, hành khách khó có thể tìm được mức giá hợp lý, chưa kể vé còn khan hiếm. Do đó, từ trước Tết, Vietjet Air đã khuyến cáo hành khách, thời điểm thích hợp nhất để đặt vé máy bay sau Tết 2023 là khoảng 3-4 tháng trước ngày bay. Lúc đặt vé chiều đi, nên đặt luôn vé chiều về để đảm bảo còn vé và giá không quá đắt đỏ. Hành khách nên có kế hoạch về quê ăn Tết sớm.
Còn thời điểm này, nếu muốn bay vào TP.HCM mà tiết kiệm tiền, chỉ còn cách chấp nhận bay đêm hay sáng sớm. Ngoài ra, hành khách có thể xin nghỉ phép thêm 2-3 ngày để lùi thời gian bay, tránh giai đoạn căng thẳng.
Với chặng Hà Nội - TP.HCM, khách cũng có thể chọn cách bay vòng, như tạm hạ cánh ở các 'trạm trung chuyển' là Huế, Quy Nhơn, Phú Yên,... Ví dụ, hành khách đặt vé bay chặng Hà Nội - Quy Nhơn ngày 2-3/2 giá chỉ từ 1,14-1,94 triệu đồng/chặng; sau đó, đặt vé chặng Quy Nhơn - TP.HCM giá vé 2,46 triệu đồng/chặng. Cộng lại, giá vé khách phải trả chỉ dao động từ 3,6-4,4 triệu đồng/hai chặng bay. Các mức giá vé trên đã bao gồm thuế, phí.
Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng với hành khách có nhiều thời gian, vì sẽ mất hơn 3 tiếng bay, thay vì gần 2 tiếng như bay thẳng. Chưa kể, số chuyến bay lại ít, khách cũng phải nhiều lần làm thủ tục với hành lý lỉnh kỉnh.
Ngọc Hà