10 năm nông thôn mới, xã nghèo thay da đổi thịt
Cảnh quan nông thôn ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã thay da đổi thịt. |
Khó khăn là nguồn nợ xây dựng cơ bản
Theo đó, khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà các địa phương gặp phải đó là nguồn kinh phí để trả nợ xây dựng cơ bản và tiếp tục thi công các công trình mới. Số tiền cần tới lến đến hàng tỷ hay hàng chục tỷ đồng, trong khi nguồn lực của xã có hạn. Để giải quyết vấn đề này, các xã đã tập trung quy hoạch các diện tích đất có lợi thế về vị trí địa lý để thực hiện đấu giá đất theo Quyết định 372 của UBND tỉnh.
Biện pháp này đã phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực chính để các địa phương xây dựng nông thôn mới. Điển hình như xã Đồng Phú, thời gian qua đã thực hiện đấu giá 14 lô đất đất, thu về 1,9 tỷ đồng; cùng với đó xã đã quy hoạch 40 lô đất đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xã Đông Hoàng đã tổ chức đấu giá được 02 khu đất quy hoạch, thu về 7 tỷ đồng, trong đó địa phương được 5,6 tỷ đồng.
Hiện Đông Hoàng còn 1 khu đất đã quy hoạch và đang triển khai các vị trí đất khác để thực hiện đấu giá đất theo Quyết định 372. Ngoài việc đấu giá đất, các xã cũng rất tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa từ nguồn đóng góp, ủng hộ của nhân dân và nhất là con em xa quê thành đạt. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, các địa phương đều quyết tâm trả hết nợ đọng xây dựng cơ bản khi đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc huy động nguồn lực, 10 xã đang tập trung cao độ cho việc hoàn thiện các tiêu chí, nhất là việc thi công các công trình kết cấu hạ tầng.
Đến thời điểm hiện tại, các xã chủ yếu xây dựng các công trình giao thông thủy lợi nội đồng. Hiện nay, huyện Đông Hưng đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục của các tiêu chí nhằm phục vụ đoàn công tác của tỉnh về thẩm định xét công nhận nông thôn mới.
Xã nghèo thay da đổi thịt
Xã Đông Lĩnh (huyện Đông Hưng) xuất phát điểm là một xã nghèo, xa trung tâm huyện nên hạn chế trong việc giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới Đông Lĩnh gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực. Vượt lên khó khăn, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, bám sát hướng dẫn của tỉnh và huyện, cấp ủy, chính quyền xã đã kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình từ xã đến thôn; ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến các hộ dân về mục đích, ý nghĩa chương trình; vai trò và trách nhiệm của chủ thể chương trình..
Trong quá trình xây dựng, Đông Lĩnh đã hoàn thiện 142 km đường giao thông nội đồng, 195 km kênh mương cấp 1; 100% đường làng ngõ xóm được đổ bê tông; Trường học, trạm y tế, bãi rác… đều được sửa chữa, xây dựng khang trang, sạch sẽ... các công trình với tổng nguồn vốn đầu tư trên 52 tỷ đồng. Cùng với đó, xã Đông Lĩnh chú trọng khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích; phối kết hợp với các ngân hàng tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn làm ăn có hiệu quả. Giờ đây, Đông Lĩnh đã khác xưa một vực, đời sống người dân nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm so với nhiều năm trước. Đây là tiền đề để xã Đông Lĩnh tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt.
Ông Nguyễn Xuân Bạch, Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh cho biết, để nâng cao chất lượng nông thôn mới, ngay từ những năm đầu tiên, xã đã tập trung kinh tế nhân lực nâng cao hoàn thiện hệ thống kênh mương, khu vực các thôn. Và phân công đoàn thể phục trách từng tuyến đường để trồng hoa và vệ sinh và thành lập quy chế hương ước để bảo vệ các công trình phúc lợi. Tiếp tục xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và nghĩa trang kiểu mẫu, phấn đấu 2020 hoàn thiện quy hoạch này. Tiếp tục phát động thi đua lao động sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo điều kiện cho người lao động có nguồn thu nhập.