10 năm hút thuốc lá, ông bố trẻ mắc ung thư bàng quang
Ân hận muộn màng
Anh Nguyễn Việt Tuấn 31 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội vừa phẫu thuật xong ung thư bàng quang và đang chờ sục hóa chất vào bàng quang.
Anh Tuấn kể anh từ gần 1 tháng trước, anh thấy đi tiểu rắt, đi tiểu khó hơn nhưng vì nghĩ do mình máu nóng, ăn uống linh tinh nên bị thế. Vợ anh mua râu ngô về nấu nước uống anh thấy đi tiểu dễ hơn. Một tuần sau, anh liên tiếp đi tiểu ra máu nhưng không có triệu chứng đau nên chủ quan. Ba ngày liền đi tiểu lần nào cũng lẫn máu, máu nhầy nhầy.
Lúc này, anh Tuấn mới đến bệnh viện khám và kiểm tra tổng quát. Bác sĩ siêu âm bàng quang phát hiện có u bàng quang và chỉ định phẫu thuật sinh thiết.
Phẫu thuật nội soi cắt u xong và được mang đi sinh thiết tại Bệnh viện K Hà Nội. Kết quả, ung thư bàng quang nên anh Tuấn phải sục hóa chất và được bác sĩ tư vấn điều trị theo chu kỳ.
Từ khi phát hiện bệnh, anh Tuấn rất lo lắng nhưng được bác sĩ tư vấn bỏ thuốc lá, sử dụng các thực phẩm an toàn, giàu chất xơ anh cũng đỡ lo hơn. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nguy cơ tái phát cao.
Anh Tuấn kể anh hút thuốc là từ khi lên Hà Nội học đại học. Thời sinh viên, anh có đồng nào là mua thuốc lá hút và lúc đó miệng phì phò hơi thuốc, tay cầm điếu thuốc anh thấy rất vui và đẳng cấp. Còn giờ, anh Tuấn chỉ ân hận vì nó là một trong những nguyên nhân khiến bệnh ung thư bàng quang của anh trẻ hóa hơn.
Không riêng anh Tuấn, anh Trịnh Văn Hà trú tại Khoái Châu, Hưng Yên, 34 tuổi cũng bị ung thư bàng quang đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đổi 108. Anh Hà cũng có các dấu hiệu bệnh giống anh Tuấn và tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Anh Hà kể thời gian đi lao động xuất khẩu ở Malaixia cách đây hơn chục năm bị lừa mất hết tiền anh chán đời sinh ra hút thuốc và nhanh chóng nghiện thuốc lá. Trung bình mỗi ngày anh đốt hết 1 bao thuốc vinataba và đến nay hậu quả anh nhận là bệnh tật.
Cứ nghĩ đến bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào là anh lại lo bởi hai con anh còn nhỏ. Vợ anh buồn bã bởi lúc nào cũng suy nghĩ bệnh của chồng sẽ tái phát bất cứ lúc nào. Chị tâm sự “bác sĩ nói có thể 5 năm, 10 năm, 15 bệnh sẽ tái phát. Biết trước bệnh muốn quên nó đi cũng rất khó” .
Thuốc lá thủ phạm chính
TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt Hà Nội cho biết ung thư bàng quang khởi phát từ bàng quang là một cơ quan hình cầu ở vùng xương chậu có nhiệm vụ lưu trữ nước tiểu. Ung thư bàng quang khởi phát thường xuyên nhất từ các tế bào lót mặt trong bàng quang. Người lớn tuổi thường mắc ung thư bàng quang tuy rằng bệnh vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
TS Chân cho biết đa số bệnh nhân bị ung thư bàng quang ông gặp đều có tiền sử hút thuốc lá thậm chí hút thuốc lá nặng và những người phụ nữ không hút thuốc vẫn có nguy cơ bị ung thư bàng quang do hút thuốc lá thụ động từ chồng.
Phần lớn ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi ung thư còn có thể điều trị được. Tuy nhiên, ngay cả đối với giai đoạn đầu, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát rất cao. Vì thế, những người sống sót sau ung thư bàng quang nên được thử nghiệm theo dõi để phát hiện ung thư tái phát nhiều năm sau khi chấm dứt điều trị.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang:
Độ tuổi: Nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng lên khi người ta già đi. Những người dưới 40 tuổi hiếm khi mắc căn bệnh này.
Thuốc lá: Sử dụng thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn người không hút thuốc hai đến ba lần. Ngườihút thuốc lá tẩu hoặc xì gà còn có nguy cơ cao hơn.
Nghề nghiệp: Một số công nhân có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn do tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư ở nơi làm việc. Công nhân trong ngành cao su, hóa chất và thuộc da có nguy cơ cao. Nhân viên làm đầu, thợ máy, công nhân kim khí, thợ in, họa sĩ, công nhân ngành dệt may và tài xế lái xe tải cũng có nguy cơ cao.
Nhiễm khuẩn: Bị nhiễm một số loại kí sinh trùng nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang. Những loại kí sinh trùng này thường phổ biến ở những vùng nhiệt đới.