Ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các khu kinh tế - quốc phòng
Đoàn kinh tế quốc phòng 327 triển khai mô hình kinh tế lâm nghiệp tại Khu kinh tế - quốc phòng Bắc Hải Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Quang Minh/Báo Quảng Ninh |
Theo đánh giá 6 tháng đầu năm của Cục kinh tế, Bộ Quốc phòng, những năm qua các đoàn kinh tế quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là việc triển khai nhiệm vụ Khu kinh tế - Quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm “Phát triển kinh tế xã hội trong khu vực kinh tế quốc phòng, góp phần cải thiện từng bước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kết hợp đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo”.
Thực hiện quyết định 1391 của Thủ tướng về “Đề án quy hoạch xây dựng các khu kinh tế quốc phòng”, đến nay Bộ đã và đang triển khai 28/33 khu (5 khu đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư). Bộ nhận định các khu kinh tế quốc phòng cơ bản đạt được mục tiêu về quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, góp phần ổn định chính trị, xây dựng thế trận lòng dân tại các địa bàn trọng điểm.
Hiện các khu kinh tế quốc phòng đã hoàn thành đỡ đầu, đón nhận hơn 100.000 hộ dân (đạt trên 101% kế hoạch được duyệt), trong đó giúp ổn định tại chỗ, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho gần 70.000 hộ dân; hoàn thành mục tiêu đón nhận, sắp xếp dân cư trong các khu kinh tế quốc phòng được hơn 31.000 hộ (trong đó có hơn 7.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức quy hoạch cho gần 16.000 hộ từ nơi khác đến).
Ngoài ra các khu đã xây dựng được 536 điểm dân cư tập trung với 32.000 hộ, hỗ trợ 126 tỷ đồng cho trên 6.000 hộ ổn định cuộc sống, qua đó khắc phục tình trạng dân sống trong rừng và một số xã “trắng dân” không thể thành lập được đơn vị hành chính.
Từ năm 1999 đến nay, bệnh xá quân dân y của các khu kinh tế quốc phòng đã khám cho hơn 2 triệu lượt bệnh nhân, điều trị trên 200.000 lượt, cấp cứu 12.000 lượt và phẫu thuật cho 15.000 bệnh nhân; đồng thời cũng đào tạo được 350 nhân viên, phối hợp tổ chức 65 đợt tập huấn với gần 2.000 nhân viên y tế thôn, bản.
Về cơ sở vật chất, các khu kinh tế quốc phòng đã xây dựng 202 tuyến đường giao thông các loại với tổng chiều dài 2.421km, 134 cầu bê tông và cầu treo độc lập, 29.000m2 lớp học, 52 công trình cấp điện, 86 công trình cấp nước tập trung, 536 điểm dân cư mới.
Những công trình sau khi xây dựng đều được bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng quy định; được khai thác, sử dụng có hiệu quả, gắn chặt với quy hoạch địa phương, qua đó hỗ trợ rất tốt cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó các khu kinh tế quốc phòng không tổ chức sản xuất tập trung cũng giúp dân rất hiệu quả thông qua việc tổ chức dịch vụ hai đầu (thu mua, chế biến nông sản, cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật cho dân…).
Đồng thời các khu kinh tế quốc phòng cũng chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, từ đó đã có trên 200 lượt mô hình làm kinh tế được tổ chức kết hợp với các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Nhờ các giải pháp trên, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa bàn giảm đáng kể so với thời gian đầu, có những nơi tỷ lệ hộ nghèo khi chưa xây dựng khu kinh tế quốc phòng lên tới 45 – 90%, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn từ 10 – 30%.
Một nhiệm vụ quan trọng khác được các khu thực hiện là bảo vệ và phát triển rừng. Số liệu thống kê cho thấy các đơn vị đã và đang triển khai 25 dự án bảo vệ, trồng mới trên 45.000ha, khoanh nuôi trên 17.000ha, bảo vệ trên 195.000ha.
Về xây dựng lực lượng, các khu kinh tế quốc phòng đã tham gia giúp địa phương phát triển đảng viên mới, xóa được 244 thôn bản “trắng” đảng viên; bồi dưỡng 2.766 quần chúng, tạo nguồn phát triển Đảng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho hàng ngàn lượt cán bộ trưởng, phó thôn; kiện toàn hàng ngàn chi bộ, tổ chức chính trị xã hội đi vào hoạt động có nền nếp.
Đặc biệt đã có các đoàn đã tổ chức triển khai hai đề án tăng cường đưa trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng với trên 2.000 lượt tham gia.