Xuất siêu bất thường
Tăng trưởng GDP và chỉ số CPI năm 2012 và qua các năm. |
Ngoài ra, cả lạm phát và tăng trưởng GDP đều thấp hơn con số dự tính.
Theo TCTK, kết quả tăng GDP năm 2012 chỉ đạt 5,03%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2012 cũng thấp hơn dự tính, ở mức 6,81%. TCTK công nhận CPI năm nay có “bất thường” khi CPI không tăng quá cao vào tháng tết nhưng lại tăng cao nhất vào tháng 9. Những năm trước nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng cao, nhưng năm nay nhóm hàng khiến CPI tăng mạnh lại là giá dịch vụ y tế, giáo dục...
Một điểm “bất thường” trong năm 2012 là lần đầu tiên sau 20 năm VN lại thành nước xuất siêu (xuất khẩu cả năm đạt gần 115 tỉ USD, tăng 18,3%) dù chỉ ở mức 248 triệu USD (năm 1992 xuất siêu khoảng 40 triệu USD).
Cho rằng có “bất thường” nhưng ông Đỗ Thức, tổng cục trưởng TCTK, cho biết xuất siêu này đến chủ yếu nhờ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu mạnh và nhu cầu nhập khẩu trong nước thấp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của khu vực doanh nghiệp FDI có tốc độ gia tăng nhanh như điện thoại, linh kiện điện thoại, hàng điện tử thì chủ yếu VN... gia công. Nên dù xuất khẩu cao nhưng giá trị thu về cho đất nước không lớn. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng mạnh nhưng TCTK cũng công nhận chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến ngày 1/12 vẫn tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo TCTK đã trả lời thêm các câu hỏi của các báo:
- Năm nay CPI giảm, lại theo đúng quy luật hai năm tăng một năm giảm. Điều này có nghĩa CPI năm 2013 có thể lại tăng mạnh? Lạm phát thì người nghèo chịu thiệt là chính?
- Bà Ngô Ánh Dương, phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá: Chu kỳ hai năm tăng, một năm giảm đã xảy ra, như 2007-2008 CPI tăng cao, 2009 tăng thấp. 2010-2011 tăng cao, năm 2012 tăng thấp. Năm nay có nguyên nhân vì khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu, người bán hàng khó tăng giá. Trong năm 2013, còn một số mặt hàng vẫn phải điều chỉnh giá như y tế. Trong khi đó, năm 2012 giá viện phí mới có 30 tỉnh thành tăng giá mà đã khiến CPI tăng rất cao. Nên dự báo về CPI năm 2013 rất phức tạp, còn gần 30 tỉnh thành nữa chưa tăng viện phí. Chúng tôi dự báo CPI 2013 sẽ tăng 7-8% với điều kiện Chính phủ thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô hết sức tích cực.
Tất nhiên CPI tăng cao, giá các dịch vụ thiết yếu tăng, nếu thu nhập của người nghèo và thu nhập thấp không đuổi kịp thì một bộ phận người dân không tiếp cận được dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ảnh hưởng đến đời sống.
- Ông Đỗ Thức: Nhiều mặt hàng Nhà nước quản lý giá năm nay tăng. Xăng có tháng tăng ba lần liền. Giáo dục, y tế tăng cao. Nếu loại trừ giáo dục, y tế, CPI năm nay chỉ tăng khoảng 3,3%! Quan điểm của chúng tôi một số mặt hàng đang được quản lý cần phải tăng. Nhưng điều hành để hài hòa thì cần hơn bao giờ hết. Nếu tháng 9 không đổ dồn tăng giá dịch vụ y tế vào một tháng, CPI đã không tăng khiến quá sửng sốt như vậy. Hay giá xăng dầu, cá nhân tôi cho rằng nếu quy định cho tăng sau 10 ngày thì giảm cũng nên 10 ngày. Tăng thì cho 10 ngày, giảm dài hơn thì không nên...
- Tỉ lệ thất nghiệp năm nay theo TCTK lại giảm hơn năm trước. Vì sao kinh tế khó khăn thất nghiệp lại giảm?
- Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, vụ trưởng Vụ Thống kê dân số, lao động: Tỉ lệ thất nghiệp khoảng 3,25%, so với năm trước giảm 0,35 điểm. Nhưng tính ra số tuyệt đối đã lên tới 931.000 người, tức gần 1 triệu. Bên cạnh đó, cần để ý chúng tôi có thống kê số người thiếu việc làm, lên tới 1,45 triệu người, như vậy là có tăng. Tỉ lệ lao động khu vực phi chính thức ở VN cũng có xu hướng tăng 2%/năm. Khi trình độ phát triển chưa cao, người lao động mất việc đang có hướng chấp nhận làm việc khu vực phi chính thức để nuôi sống gia đình.
Theo Tuổi trẻ