Xuất hiện làn sóng mua gom đất nền: Cơ hội cho các "cá mập"
Làn sóng dịch bệnh thứ 4 kéo dài đã khiến các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính buộc phải "cắt lỗ" bất động sản để trả lãi ngân hàng.
Các nhà đầu tư cho biết sẵn sàng "gom" đất nền nếu thật sự "cắt lỗ" (Ảnh: QT)
CƠ HỘI CHO CÁC "CÁ MẬP"
Khảo sát của Diễn đàn Doanh nghiệp trên các hội nhóm mua bán bất động sản cho thấy nhiều thông tin đăng gom mua bất động sản cắt lỗ, đặc biệt ưu tiên đất nền.
Chia sẻ với phóng viên, nhà đầu tư Nguyễn Tiến Trì (Long Biên - Hà Nội) cho biết, làn sóng dịch bệnh kéo dài có thể mở đến những cơ hội cho các "cá mập" săn bất động sản, trong đó được ưa chuộng nhất là đất nền, nhà liền thổ.
Anh Trì cho biết, đây là các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã lướt qua nhiều cơn sóng, động thái "gom đất" sẽ thường gom một lúc nhiều lô đất nếu có giá hời, chuẩn bị cho cơn sóng tiếp theo khi thị trường hồi phục.
Trong khi đó, chia sẻ trên các group trao đổi, mua bán bất động sản một môi giới tại Đà Nẵng cho biết, ở các khu vực Hoà Xuân, Nam Hoà Xuân City, khu vực sông cổ cò (Ngọc Dương Riverside, Green City, 7B...) chỉ cần có người cắt lỗ thì luôn có sẵn khách "ẵm hàng".
Các môi giới này cho biết, các "cá mập" săn đất có rất nhiều chiêu thức để thổi giá bất động sản. Kịch bản tăng giá luôn sẵn chờ dịch bệnh qua đi.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng thực tế giá săn được hiện tại chỉ là "giảm lời" so với việc giá bán đã gấp đôi, gấp 3 từ cơn sóng hồi đầu năm, do đó việc gom đất phải thực sự cẩn trọng vì chưa chắc đã “béo bở” như lời giới thiệu.
BẮT ĐÁY THỊ TRƯỜNG THỜI ĐIỂM NÀO PHÙ HỢP?
Trên thực tế, nhìn lại thị trường bất động sản 8 tháng đầu năm, từ phân khúc đất nền, chung cư đến biệt thự, nhà phố đều ghi nhận những mức tăng giá đáng kể. Trong đó, đất nền là phân khúc tăng giá mạnh nhất khi trải qua nhiều đợt sốt đất đã lập các đỉnh giá mới.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn sẵn "kịch bản" để thổi giá đất ngay khi thị trường hồi phục.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 của Bộ Xây dựng, giá đất nền chỉ giảm 10 - 20% so với thời điểm sốt nóng, trong khi đó cơn sốt cục bộ đã khiến giá đất nhiều nơi tăng gấp đôi.
Nhận định về xu hướng mua gom bất động sản trong giai đoạn hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, tình hình chung khiến cho nhiều người đang ôm bất động sản gặp khó khăn và phải bán, đó là cơ hội cho người mua.
"Sản phẩm nào giảm sâu hơn nhà đầu tư có thể mạnh dạn mua. Đặc biệt với những bất động sản chỉ có cơ hội này mới giảm, chẳng hạn như nhà phố. Bởi vì loại hình này thường 7 - 8 tỷ trở lên mà số tiền đó không phải ai cũng có” – vị chuyên gia chia sẻ.
Mặt khác, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nhà đầu tư dù săn bất động sản nào thời điểm này cũng cần đặc biệt phải lưu tâm 3 tiêu chí quan trọng là pháp lý, địa điểm và giá cả hợp lý.
Trong khi đó, theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, nếu dịch bệnh kéo dài hơn thời hạn 1-2 tháng nữa nhà đầu tư bất động sản sẽ gặp khó khăn. Do đó, cuối tháng 8 đến tháng 9 là thời điểm để người mua có thể lựa chọn bất động sản vừa ý.
Theo vị chuyên gia, sẽ không có các đợt cắt lỗ sâu, tuy nhiên nếu bất động sản giảm giá 10-15% đó là mức giá hợp lý có thể mua ngay trong tháng 9. Còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài hơn có thể đợi đến cuối tháng 9, tháng 10, giá bất động sản có thể giảm nữa. Nhưng con số giảm giá cao nhất chỉ có thể giảm từ 10-20%.
Theo vị chuyên gia này, với đất nền, nhà liền thổ chưa ghi nhận hiện tượng ‘cắt lỗ’, chỉ có hiện tượng giảm giá. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm 4-5 tháng nữa, lúc đó mới có chuyện ‘cắt lỗ’ trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận: Qua cơn sốt đất vừa rồi, nhiều nhà đầu tư “F0” đã phải trả giá cho việc đầu tư tràn lan, thiếu kiến thức về thị trường bất động sản nên đã bị “mắc cạn”, không ít người trong số này sẽ rút khỏi thị trường.
"Thị trường bất động sản cũng sẽ xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã “lướt” qua được cơn sóng giá đất để tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản" - ông Đính khẳng định.
Mỗi con lợn lỗ hơn triệu, chủ nuôi lao đao, cuối năm lo thiếu thịt
Giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng trong khi giá lợn hơi ngày 1 giảm, người chăn nuôi lâm vào thua lỗ, nhiều chủ chăn nuôi lợn không muốn tái đàn. Tình hình này khiến nhiều người e ngại nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm sẽ thiếu hụt.
Theo DDDN