Xuất cấp khoảng 1.519 tỷ đồng hàng dự trữ cứu đói, hỗ trợ tết cho người nghèo
Trong đó, Tổng cục DTNN đã giao các Cục DTNN khu vực thực hiện xuất cấp hơn 110.784 tấn gạo với tổng giá trị khoảng 1.093 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ học sinh các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các dự án trồng rừng và hỗ trợ nhân dân dịp giáp hạt.
Trong đó, hỗ trợ nhân dân trong dịp tết nguyên đán là hơn 7.805,3 tấn gạo, hỗ trợ thiên tai mưa lũ là hơn 3.880,8 tấn, hỗ trợ giáp hạt là hơn 6.754,9 tấn, hỗ trợ dự án trồng rừng là hơn 17.895 tấn, xuất viện trợ cho nước ngoài là 5.000 tấn và hỗ trợ cho học sinh nghèo là hơn 69.448 tấn gạo.
Bên cạnh đó, để phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương, Tổng cục DTNN cũng đã triển khai xuất cấp 2.791 bộ nhà bạt, 15.943 chiếc phao tròn cứu sinh, 68.288 chiếc phao áo sinh, 1.236 chiếc phao bè cứu sinh… với tổng giá trị khoảng 59 tỷ đồng.
Ngoài ra, các Bộ ngành cũng đã triển khai xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh với tổng giá trị khoảng 295 tỷ đồng.
“Hàng DTQG được các bộ, ngành quản lý đủ về số lượng, chất lượng tại các vùng trọng điểm, đáp ứng được phương châm “4 tại chỗ” khi có nhu cầu đột xuất, cấp bách xảy ra và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến cácđịa phương được cứu trợ, hỗ trwoj; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống”. Ông Lê Văn Thời nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, nhiệm vụ nhập, xuất, bảo quản an toàn hàng DTQG, đảm bảo dự toán là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành DTNN, vì vậy đòi hỏi cần phải triển khai kịp thời, đúng thời điểm, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.
Với lượng hàng hóa dự trữ không quá nhiều nhưng nếu xuất cấp kịp thời khi gặp tình huống đột xuất cấp bách xảy ra sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Bên cạnh đó cần chú ý rà soát các mặt hàng dự trữ quốc gia để xây dựng danh mục, định mức phân bổ cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cũng lưu ý, vai trò của ngành Dự trữ không đơn thuần chỉ là công tác nhập, xuất, bảo quản an toàn hàng dự trữ mà còn mang ý nghĩa là công cụ tài chính để điều tiết thị trường hiệu quả, vì vậy cần phải có cái nhìn rộng và tổng thể hơn cũng như cần có kế hoạch và lựa chọn thời điểm xuất bán luân phiên và mua hàng DTQG phù hợp.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị toàn ngành DTNN cần tiếp tục rà soát cơ chế, cập nhật đầy đủ, liên tục, công khai, minh bạch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cần phải cầu thị, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ để đáp ứng nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Ông Đỗ Việt Đức – Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN khẳng định: Mục tiêu đặt ra cho ngành DTNN trong thời gian tới là tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chủ động đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Tổng cục trưởng Đỗ Việt Đức đề nghị toàn ngành DTNN cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về DTQG, tập trung nhiệm vụ quản lý, bảo quản hàng DTQG tích cực triển khai thực hiện kế hoạch được giao; Chủ động triển khai xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng; Chuẩn bị tốt nguồn lực để triển khai thực hiện xuất cấp kịp thời cho nhân dân các địa phương trong các tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra…