Xứ Bạc Liêu và hàng Việt
Nhìn lại nội lực
Cảm nhận lớn nhất của chúng tôi khi tham dự cuộc tổng kết ở Bạc Liêu, là một tập thể đang ngồi xuống với nhau theo đúng kiểu miền Tây: nói thiệt bụng để tính chuyện tốt hơn ngày mai.
Ông Trương Minh Chiến, phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nói rằng kết quả, từ cách tổ chức, cách thu hút doanh nghiệp tham gia, số lần tổ chức hội chợ; cách thiết lập kênh bán hàng - dịch vụ sau phiên chợ và cách điều chỉnh bổ sung chính sách phát triển sản xuất hàng nội, sự quan tâm đến người tiêu dùng, việc chống hàng gian, hàng giả… là sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên theo ông, không ít cơ quan ban ngành quan tâm chưa đúng mức, một số nơi làm chiếu lệ, nên hiệu quả chưa thật sâu sắc, lực lượng phối hợp chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ.
Ngược lại, cũng có những điển hình tốt trong chi tiêu - mua sắm khu vực công bằng hàng Việt; Cán bộ Đảng viên ưu tiên tiêu dùng hàng Việt như nét văn hóa tiêu dùng, sự tự tôn dân tộc… nhưng việc góp nhặt điển hình, tôn vinh đúng lúc những cá nhân, tập thể trong cuộc vận động này vẫn chưa tốt lắm.

Một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) hồi tháng 08/2012
“Đã đến lúc nghiên cứu đánh giá, công nhận sản phẩm “VIP” của Bạc Liêu và xin bảo hộ của Cục sở hữu trí tuệ gắn liền với việc tuyên truyền liên tục về ý nghĩa của cuộc vận động, làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng”, ông nói tiếp.
“Chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, mời gọi nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn về Bạc Liêu, xét những điều kiện giao đất, cho thuê ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để thu hút đầu tư sản xuất những loại hàng hóa có sức cạnh tranh” – ông nói bằng tất cả sự tận tụy của một người chủ nhà hiếu khách và có vẻ đang có phần sốt ruột…