'Xoá sổ' giường dịch vụ BV Bạch Mai: Còn bệnh viện nào dám mạnh tay nữa?
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết đơn vị này sẽ có bước phát triển mới và sắp tới sẽ dần tiến tới xoá sổ giường bệnh dịch vụ.
Đây là một thông tin được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là người dân, những người mắc bệnh mãn tính thường xuyên phải vào viện.
Ở nước ta, các bệnh viện công được Bộ Y tế 'bật đèn xanh' để thực hiện phát triển khám theo yêu cầu, theo mô hình tự chủ bệnh viện. Các chuyên gia y tế độc lập cho rằng việc cho phát triển quá đà y tế tư nhân trong bệnh viện công đã tạo ra mô hình công tư lẫn lộn và không rõ đâu ra công, đâu ra tư. Điều đó làm thiếu minh bạch trong quản lý tài sản nhà nước.
Thực tế, người dân bị ốm đi viện nhất là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh nặng như ung thư thì đi viện với họ kéo theo gánh nặng kinh tế. Những người không có tiền chấp nhận 2,3 người một giường nằm ghép, phòng bệnh chỉ có quạt điện còn phòng dịch vụ 1 – 2 giường/phòng, vệ sinh khép kín, điều hoà mát rượi. Điều này đã tạo ra bức tranh giàu nghèo ngay chính trong bệnh viện công.
Các bệnh viện tuyến trung ương đặc biệt ở các chuyên khoa tim mạch, ung thư… nằm ghép là bình thường nhưng bệnh viện vẫn dành khoảng 30% số giường để làm giường dịch vụ phục vụ những người có điều kiện.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với chúng tôi, PGS TS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y Dược, TP.HCM cho biết từ lâu ông rất lấy làm lạ với các quy định có thể nói “quái gở” của cơ quan quản lý y tế vì đi xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu cho bệnh viện công lập.
PGS Nam cho rằng các nhà quản lý y tế đang làm méo mó hệ thống y tế, không phân định được chức năng y tế công lập và y tế tư nhân như thế nào. Trong khi các bệnh viện tư nhân trầy trật để phát triển. Nhà đầu tư phải đầu tư từ A- Z thì các bệnh viện công sẵn thương hiệu, bác sĩ, cơ sở vật chất được tư nhân hoá.
Việc Bệnh viện Bạch Mai xoá bỏ giường dịch vụ, bác sĩ Nam cho rằng ông rất đồng tình nếu Bệnh viện Bạch Mai làm được điều đó và các bệnh viện khác cũng cần như thế. PGS Nam đặt câu hỏi liệu có bệnh viện công nào “mạnh tay” xoá bỏ tiếp giường dịch vụ.
PGS Nam cho rằng không nên xây dựng lên bức tranh giàu nghèo, công tư, khu giường 'ổ chuột' và khu giường dịch vụ ngay trong chính tài sản của nhà nước, của cha ông để lại.
Việc xây dựng phát triển bệnh viện theo hướng tự chủ là một bài toán khó nếu không có dịch vụ theo yêu cầu thì các bệnh viện cũng “chết yểu” ngay cả với các bệnh viện đứng đầu như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy…. Nhưng nút thắt giường dịch vụ cũng gỡ bỏ dần dần. PGS Nam cho rằng cần gỡ chính nút thắt do mình tự buộc để y tế công vận hành theo đúng sứ mệnh của họ.
Ở nước ngoài, mô hình y tế công sử dụng ngân sách của dân, đảm bảo yêu cầu quyền lợi cơ bản của người dân, duy trì tính công bằng trong chăm sóc đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế. Còn bệnh viện dân lập do các nhà đầu tư, có thể các doanh nhân, tổ chức và họ vận hành phát triển như một doanh nghiệp, người có tiền thì có thể vào y tế tư nhân làm dịch vụ.
Một điều rất nhiều người quan tâm, việc bệnh viện công nào cũng sử dụng tài sản công làm phòng dịch vụ, vậy tiền thu từ dịch vụ đó chi tiêu thế nào? Các lý do đều là tái đầu tư và trả lương nâng cao đời sống anh em nhân viên y tế nhưng thực chất vẫn chưa có minh bạch điều này. Mô hình dịch vụ trong hệ thống bệnh viện công lập hiện nay, PGS Nam cho rằng điều đó không sòng phẳng với khối tư nhân.
Phương Thúy