Virus Zika xuất hiện ở Đà Nẵng nguy hiểm thế nào, cơ chế lây nhiễm ra sao?
Việt Nam vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân mắc Zika, bệnh gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, lây truyền qua muỗi đốt.
Bệnh nhân được xác định là nam giới 25 tuổi, sống ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Đến nay Việt Nam ghi nhận 265 ca mắc, chủ yếu là ở miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Theo PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Zika là bệnh truyền nhiễm mới nổi. Tại Việt Nam dịch ghi nhận từ năm 2016. Bệnh do virus Zika gây ra, lây truyền qua muỗi.
Bệnh lần đầu được phát hiện ở Uganda năm 1947 ở khỉ Rhesus thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Sau đó bệnh được xác định trên người năm 1952 tại Uganda và Cộng Hòa Tanzania.
Ổ dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và Thái Bình Dương. Thời gian ủ bệnh của bệnh do virus Zika không rõ ràng, nhưng có thể là một vài ngày.
Triệu chứng tương tự như nhiễm trùng do các virus arbo khác như sốt xuất huyết dengue, bao gồm sốt, nổi ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp và đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Các triệu chứng này thường nhẹ và kéo dài từ 2 - 7 ngày.
Virus Zika truyền sang người thông qua vết đốt từ muỗi nhiễm bệnh họ Aedes, chủ yếu là Aedes Aegypti ở vùng nhiệt đới. Đây cũng là loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya và sốt vàng.
Chẩn đoán virus Zika có thể thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phân lập virus từ mẫu máu. Chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học có thể khó khăn do virus có thể có phản ứng chéo với các virus khác thuộc họ flavivirut như virus Dengue, sốt tây sông Nile và sốt vàng.
Zika được xem có liên quan tới biến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Dịch do virus Zika tại Brazil vào đầu năm 2015 với sự gia tăng bất thường các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, cũng như sự gia tăng các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré.
Tương tự sự kiện này ở Brazil, dịch do virus Zika tại French Polynesia vào năm 2013-2014 cũng có sự gia tăng các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré, chứng đầu nhỏ, và những rối loạn về thần kinh trên quần đảo này.
Cộng đồng khoa học đáp ứng nhanh chóng với những vấn đề này, bắt đầu với việc xây dựng các kiến thức nền tảng về virus Zika và các biến chứng nặng do virus này gây ra một cách nhanh nhất.
Để phòng bệnh do virus zika, cách tốt nhất là giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người. Các hoạt động có thể thực hiện bằng sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo (tốt nhất là sáng màu) che các phần của cơ thể càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh đó sử dụng các biện pháp vật lý như đóng cửa sổ, ngủ màn chống muỗi… bằng các hoạt động làm sạch các vật dụng chứa nước như xô, chậu, lốp xe, bình hoa… do đó các điểm muỗi sinh sản có thể bị loại bỏ.
Bệnh do virus Zika thường nhẹ và không cần thuốc đặc biệt điều trị. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, và điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt bằng các thuốc thông dụng. Khi triệu chứng nặng hơn, cần tới các cơ sở Y tế để chăm sóc điều trị. Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh.
Theo vtc.vn