Xem quân đội Mỹ mô tả phá hủy hệ thống Pantsir Nga
Mới đây, quân đội Mỹ đã thực hành các phương pháp tiến hành một cuộc “chiến tranh trong tương lai với Nga và Trung Quốc” tại khu liên hợp huấn luyện Yuma ở bang Arizona.
Theo đó, trang Defense News cho biết, một trong những mục tiêu là tiêu diệt tổ hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir của Nga.
Tổ hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-S của Nga. (Ảnh: RIA) |
“Những phương pháp này kết hợp vũ khí của tương lai và khả năng được cung cấp để sử dụng trên chiến trường những năm 2030 để chống lại các đối thủ như Nga và Trung Quốc”, Defense News viết.
Theo Defense One, “các cuộc thử nghiệm đầy tham vọng” giới thiệu máy bay không người lái, siêu pháo, khả năng sử dụng vệ tinh và robot mặt đất.
Được biết, trong giai đoạn đầu cuộc tập trận, các vệ tinh được sử dụng để xác định vị trí các hệ thống phòng không giả định của đối phương. Sau đó, dữ liệu được truyền tới trạm mặt đất Tactical Intelligence Targeting Access Node (TITAN), trạm này sẽ gửi thông tin trực tiếp đến khu liên hợp huấn luyện Yuma, nơi đặt khẩu pháo được chế tạo theo chương trình Extended Range Cannon Artillery (ERCA) - “Pháo binh tầm xa mở rộng”. Theo các tài liệu, loại vũ khí này có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 70 km.
Ngoài ra, Defense One cho biết, vị trí của tháp điều khiển phòng không được xác nhận bằng cách sử dụng trực thăng trinh sát và máy bay không người lái (UAV), trong khi “mục tiêu” giả định bị tiêu diệt bằng tên lửa Hellfire từ UAV Grey Eagle, được thực hiện từ độ cao thấp kỷ lục khoảng 91 mét. Trong giai đoạn hai mô tả việc tiêu diệt các thành phần phòng không còn lại của đối phương cũng đã được thực hiện.
Hệ thống pháo và tên lửa phòng không tự hành Pantsir-S1 của Nga được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu chiến lược khỏi máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, bom dẫn đường và máy bay không người lái.
Pantsir-S1 (mã định danh NATO: SA-22 Greyhound) là hệ thống tên lửa súng phòng không được thiết kế bởi Văn phòng Thiết kế công cụ chính xác (KBP) Tula, Nga, được sản xuất bởi Nhà máy Cơ khí chính xác Ulyanovsk, vùng Ulyanovsk, Nga.
Pantsir-S1 là tổ hợp phòng không tầm gần và tầm trung trên khung gầm xe bánh hơi bốn cầu KAMAZ-6560 nặng khoảng 30 tấn với kíp xe bốn người, bao gồm pháo phòng không tự động và các tên lửa đất đối không trong containers, radar anten mảng pha tích hợp với thiết bị quang điện tử theo dõi, ngắm mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến.
Tổ hợp được trang bị đến 12 tên lửa đất đối không 57E6 hoặc 57E6-E có tầm bắn xa đến 20 km và tầm cao cực đại là 15.000 m, tên lửa hai tầng đẩy nhiên liệu rắn này có thể tiêu diệt mọi mục tiêu tầm thấp. Hiện được xem là tổ hợp pháo phòng không - tên lửa có hiệu quả tác chiến chống tên lửa hành trình và phương tiện bay thấp tốt nhất, không có loại vũ khí tương đương trên thế giới.
Tác chiến song song cùng với tên lửa là hai pháo tự động 2A38M hai nòng 30 mm, cơ số đạn 700 viên với tốc độ bắn lên đến 2.500 phát/phút. Pantsir-S1 còn có thể lắp đặt trên xe bánh xích, trên các chiến hạm và giá bệ cố định của trận địa phòng không.
Xe tăng T-90M sẽ được trang bị hệ thống tự vệ chủ động Arena-M
Xe tăng T-90M trong quá trình tiếp tục hiện đại hóa có thể nhận được hệ thống tự vệ chủ động “Arena-M”.
Thanh Bình (lược dịch)