Xe lao vực, 6 người chết ở Gia Lai: Ai chịu trách nhiệm, bồi thường ra sao?
Trong vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai, tài xế đã tử vong cùng với 5 người khác. Vậy trách nhiệm trong vụ tai nạn này được xác định như thế nào?
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc làm 6 người chết, 3 người bị thương xảy ra ngày 9/2 tại Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh Gia Lai cho biết sẽ khởi tố vụ án để tiến hành điều tra.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc.
Trách nhiệm của chủ xe, chủ hàng thế nào?
Hiện cơ quan công an đã mời chủ xe, chủ số hàng (mỳ) lên làm việc.
Theo đó, chủ xe là ông Nguyễn Thành Trung (trú tại phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai).
Chủ hàng là bà Đặng Thị Tám (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) để làm rõ số hàng bốc xếp lên trên phương tiện là bao nhiêu. Hiện bà Tám chưa thông tin cụ thể về số lượng hàng hoá này.
Trong vụ tai nạn này, tài xế điều khiển xe là Huỳnh Đức Nguyên (SN 1983) đã tử vong cùng với 5 người khác.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong vụ tai nạn này, nếu tài xế không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây tai nạn thì tài xế phải chịu trách nhiệm.
Còn chủ xe giao phương tiện cho người không đủ điều kiện hoặc đủ điều kiện nhưng xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới.
“Đối với trách nhiệm của chủ hàng hoá (mì) trong vụ tai nạn nêu trên, theo quy định thì chủ hàng không có trách nhiệm gì.
Tuy nhiên, đức ở góc độ nhân đạo thì chủ hàng cũng tuỳ theo ý thức của bản thân để ứng xử phù hợp với người đã khuất. Việc này là tuỳ tâm", luật sư Phòng cho hay.
Trong khi đó. luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN) cho biết, nếu kết quả điều tra xác định chủ xe giao, điều động phương tiện (xe tải gây tai nạn) không đảm bảo kỹ thuật an toàn khiến gây ra tai nạn thì chủ xe có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn” theo Điều 262 Bộ luật Hình sự.
Nếu chủ xe giao xe cho tài xế không đủ điều kiện (chặng hạn như không đảm bảo sức khỏe, không có bằng lái, có bằng lái không phù hợp) thì cũng có dấu hiệu vi phạm Tội “Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự; Tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Ông Khuất Việt Hùng- Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường vụ tai nạn.
Bồi thường ra sao?
Luật sư Mai Quốc Việt cho biết, chiếc xe bị tai nạn thuộc hợp tác xã dịch vụ vận tải Phước An Gia Lai. Do vậy, nếu tài xế là người lao động làm việc tại Hợp tác xã, thực hiện công việc do Hợp tác xã giao thì chủ xe cần phải thực hiện các công việc để bồi thường thiệt hại.
Nguyên tắc bồi thường theo Bộ luật Dân sự là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Đầu tiên, cần ưu tiên giải quyết cho các nạn nhân trước, còn trách nhiệm liên đới bồi thường giữa chủ xe với tài xế hoặc bên thứ 3 (bảo hiểm) tính sau.
Nếu chủ xe đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
“Lỗi ở đây là nếu tài xế được giao sử dụng phương tiện, gây ra lỗi dẫn đến tai nạn như điều khiển phương tiện vi phạm ATGT, thiếu chú ý quan sát…”, luật sư Việt phân tích.
Theo Bộ luật Dân sự thì các chi phí bồi thường bao gồm tiền chi phí cứu chữa; tiền công người chăm sóc; tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút; tiền bồi thường tổn thất về tinh thần đối với nạn nhân bị thương và người thân của nạn nhân bị thiệt mạng; tiền chi phí mai táng đối với nạn nhân bị tử vong.
Đối với phương tiện và hàng hóa, nếu có thiệt hại thì việc bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế xảy ra.
Trường hợp tài xế không có lỗi mà do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, nạn nhân thì chủ xe ô tô không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về hình sự, ngoài việc bồi thường thiệt hại, cơ quan chức năng có thể xử lý trách nhiệm hình sự nếu có vi phạm.
Đối với tài xế, là người trực tiếp điều khiển xe tải - là nguồn nguy hiểm cao độ, nếu có lỗi gây ra thương vong cho nhiều người hoàn toàn có thể bị khởi tố về Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Với vụ tai nạn này, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành hoạt động điều tra nếu xác định có dấu hiệu lỗi của tài xế. Tuy nhiên, kể cả khi xác định tài xế có lỗi thì việc xử lý trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra, do tài xế đã tử vong.
Thời điểm trên, chiếc xe bị lao xuống vực sâu, hậu quả làm 6 người tử vong gồm: Huỳnh Đức Nguyên (tài xế), Trần Văn Tâm (SN 1987), Dương Văn Dũng (SN 1984), Phan Văn Tuấn (SN 1990), Hguh (SN 1998, cùng trú huyện Mang Yang), Bùi Văn Tiện (SN 1974, trú huyện Đắk Đoa).
Ngoài ra, còn có 3 người bị thương gồm: Guêm (SN 1999), Gun (SN 1991) và Nguyễn Tấn Vinh (cùng trú huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Đáng chú ý, chiếc xe trên chỉ được phép chở 2 người, còn thời điểm xảy ra tai nạn trên xe có tới 9 người.
Tuyến đường liên xã Đắk Sơmei - Hà Đông dài 24km đã xuống cấp nhiều năm nay, có nhiều khúc cua nguy hiểm, độ dốc cao, nhiều cỏ cây bụi rậm ven đường.
Theo baogiaothong.vn