Xe điện – Phương tiện giao thông tương lai của ASEAN?
Theo ASEAN Post, xe điện (EV) bao gồm ô tô điện có thể giúp giảm thiểu đáng kể lượng thải khí carbon ra ngoài môi trường. So với xe ô tô truyền thống vốn thải ra lượng carbon lớn gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người cùng với khí carbon monoxide và nitơ oxit hủy hoại môi trường, dòng xe điện được xem là phương tiện không thải ra khí độc.
Xe điện được kỳ vọng là phương tiện giao thông tương lai của ASEAN. |
Theo bản nghiên cứu được Nissan và công ty nghiên cứu Frost & Sullivan thực hiện, 1/3 khách hàng tại Đông Nam Á có xu hướng muốn mua một chiếc ô tô chạy bằng điện.
Trong bản nghiên cứu mang tên “Tương lai của các phương tiện giao thông chạy bằng điện ở Đông Nam Á”, các khách hàng ở Philippines, Thái Lan và Indonesia là những người tỏ ra háo hức hơn cả đối với tương lai của EV.
ASEAN Post cho rằng các quốc gia thành viên ASEAN cần khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng EV. Còn trong bản nghiên cứu của Frost & Sullivan, những người tham gia khảo sát cho rằng phương án tốt nhất để khuyến khích người dân chuyển sang dùng EV chính là chính sách miễn thuế. Bởi chính phủ các nước ASEAN cần hiểu rõ về tác động từ lượng khí thải từ các phương tiện giao thông là tác nhân gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường.
Một số nước ASEAN đã bắt đầu triển khai chính sách khuyến khích dùng EV. Để thúc đẩy việc sử dụng EV, chính phủ Thái Lan đã ra dự thảo mang tên “Kế hoạch Thúc đẩy Xe điện cho Thái Lan”. Kế hoạch này nằm trong Kế hoạch Phát triển năng lượng thay thế của Thái Lan giai đoạn 2012 – 2021. Kết quả, Thái Lan đã có 60.000 xe ô tô chở khách chạy bằng điện và 8.000 xe mô tô chạy bằng pin điện được đăng ký trong năm 2014 nâng tổng số ô tô điện lên 102.308 chiếc.
Công ty sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam là Vinfast cũng đang có kế hoạch cho ra mắt dòng EV của riêng mình. Theo Vinfast, công ty sẽ sản xuất 250.000 chiếc scooter chạy điện mỗi năm và dự kiến ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên trong những năm tới.
Ngoài chính sách khuyến khích sử dụng EV, chính phủ các nước ASEAN đang đi đúng hướng khi đầu tư và kêu gọi người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu sở hữu cá nhân đối với ô tô và xe máy trong khu vực cũng sẽ giảm.
Song điều đáng tiếc là nhiều thành phố ở Đông Nam Á vẫn thiên về thiết kế quy mô hoạt động phục vụ cho số lượng lớn ô tô cá nhân thay vì giao thông công cộng.
Cụ thể, tại Kuala Lumpur, hệ thống vận chuyển nhanh (MRT) vẫn chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ dù hàng tỷ USD đã được chính phủ rải ngân.
Bên cạnh đó, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông công cộng trong khu vực cũng phải mất tới 10 năm nữa mới hoàn thành. Điển hình, hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Manila cũng sẽ chỉ được hoàn thành vào năm 2025. Do đó, EV sẽ cần phải đi một chặng đường dài nữa mới có thể trở thành phương tiện giao thông tương lai của ASEAN.