Xây dựng trạm y tế thành phòng khám bác sĩ gia đình
Các trạm y tế xã, phường đã từng bước làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu |
Mở rộng ký BHYT với trạm y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện cả nước có gần 11.800 trạm y tế xã, phường, hơn 680 bệnh viện tuyến huyện gắn với y tế cơ sở. Để từng bước đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2017, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 26 xã, phường của 8 tỉnh, thành phố.
Đến nay, các trạm y tế xã, phường đã từng bước làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo niềm tin trong nhân dân, với khoảng 80% trạm thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong tương lai, mô hình các trạm y tế trở thành phòng khám bác sĩ gia đình với nguồn nhân lực và được đầu tư trang thiết bị sẽ không xa.
Điểm sáng về áp dụng trạm y tế xã hoạt động theo phòng khám bác sĩ gia đình, tại TP.HCM ngành y tế đã “cởi trói” cho các trạm y tế xã, phương hoạt động. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ngành y tế thành phố đã thực hiện chủ trương của ngành y tế về đảm bảo trạm y tế có từ 02 bác sĩ, Sở Y tế lập kế hoạch điều động luân phiên bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề từ trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện tham gia khám chữa bệnh ban đầu tại trạm; ưu tiên điều động bác sĩ đa khoa, sản khoa, nhi khoa.
Các trạm y tế ở TP.HCM đã áp dụng hình thức xã hội hóa một số hoạt động cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại trạm y tế.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đẩy mạnh khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế bởi vì việc ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế được xem là điều kiện không thể thiếu trong nỗ lực thu hút người dân đến với trạm y tế (không nên xem là kết quả của hoạt động khám chữa bệnh- phải thu hút đông người bệnh đến khám mới được xem xét ký hợp đồng, như đang áp dụng cho phòng khám tư nhân).
Ông Bỉnh cho biết thời gian tới Sở Y tế sẽ sơ kết, đánh giá các mô hình để rút kinh nghiệm và điều chỉnh, cũng như tiếp tục nhân rộng mô hình hay để việc triển khai trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình ngày càng bền vững, tạo niềm tin cho người dân đến trạm y tế.
Xã hội hóa đầu tư
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở Y tế cho biết đến nay ở Vĩnh Phúc các trạm y tế xã đã thực hiện được khoảng 80% danh mục kỹ thuật theo quy định.
Ông Hải cho biết để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, những năm qua, nhất là giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và dành 177 tỷ đồng cho xây mới, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị y tế cho trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Đồng thời hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên ngoài lương, phụ cấp theo số biên chế được giao là 20 triệu đồng/biên chế/năm.
Nhờ đó, các trạm có thêm nguồn kinh phí khoảng 200 triệu đồng/trạm/năm để duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.goài nguồn vốn đầu tư của tỉnh, các xã đã huy động nguồn vốn của địa phương để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trạm y tế xã: cổng, vườn thuốc nam, tường rào, nhà kho, nhà vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế…; một số huyện, xã đã huy động các nguồn tài trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng, ví dụ: xã Cao Đại, xã Tam Hồng được đầu tư khoảng 6-7 tỷ đồng/trạm; mua sắm thiết bị y tế, trạm y tế xã có xe cứu thương…
Ngoài ra, nguồn vốn chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại 28 trạm y tế xã, số vốn 8,3 tỷ đồng; xây dựng 2.505 nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình, số vốn của chương trình nước sạch 9,1 tỷ đồng và huy động sự đóng góp của người dân; hỗ trợ tuyền thông 6,2 tỷ đồng.
Ông Hải cũng đưa ra một số nơi trạm y tế đã phát triển các dịch vụ kỹ thuật về y học cổ truyền, áp dụng các bài thuốc, các phương pháp không dùng thuốc.. thu hút người dân khám chữa bệnh tại trạm y tế xã.